Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 362/QĐ-UBND về triển khai thi hành Luật này trên địa bàn tỉnh. Theo nhiệm vụ được phân công, các ngành và các địa phương đã tập trung thực hiện thống nhất, đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Các tổ hòa giải thường xuyên được rà soát, kiện toàn khi có thay đổi nhân sự hoặc khi có các yếu tố khác ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức. Đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 1.964 tổ hòa giải với 13.031 hòa giải viên. Nhằm nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và các địa phương tổ chức nhiều hình thức để tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ này như tổ chức hội nghị, hội thi, tọa đàm, cấp phát tài liệu, băng đĩa, xây dựng các chương trình phát sóng trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải tài liệu qua hệ thống cổng/trang thông tin điện tử… Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã tổ chức khoảng 60 Hội nghị, UBND cấp huyện tổ chức gần 350 hội nghị, trong đó đã tập trung trang bị kiến thức pháp luật về quy trình hòa giải, pháp luật trên các lĩnh vực thường gặp trong công tác hòa giải ở cơ sở như dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình… Bên cạnh đó Sở Tư pháp xây dựng và phát hành 4.000 cuốn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ, 4.000 cuốn Sổ tay, UBND cấp huyện, cấp xã cấp phát gần 40 ngàn tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng hòa giải viên được chú trọng thực hiện
Sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của cán bộ, Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, người dân đang từng bước ưu tiên sử dụng phương thức hòa giải cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, trong cộng đồng dân cư. Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 14.944 vụ, việc, trong đó đã hòa giải thành 12.333 vụ việc, đạt tỷ lệ 82,5%. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và Toà án, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.
Công tác khen thưởng, tôn vinh hòa giải viên được thực hiện kịp thời
Trên cơ sở kết quả 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, thời gian tới Hà Tĩnh tiếp tục chú trọng và ưu tiên nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác này, qua đó tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nhà phát triển.
Thiều Chiên