Đắk Lắk: Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

20/04/2023
Sau 10 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được đẩy mạnh và nâng lên rõ rệt; nhận thức về trách nhiệm trong triển khai công tác PBGDPL của các cấp, các ngành, địa phương được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực
Thể chế chính sách cơ bản được hoàn thiện, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho thực hiện trách nhiệm pháp lý được giao trong Luật PBGDPL. Nguồn lực và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL được quan tâm hơn. Ngày Pháp luật Việt Nam đã được triển khai đồng bộ, thực sự trở thành sự kiện chính trị, pháp lý của đất nước nói chung. Hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và Nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xà hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành Luật PBGDPL vẫn còn những hạn chế nhất định như: Hiệu quả PBGDPL chưa thực sự đồng đều, sâu rộng ở không ít lĩnh vực, địa bàn; nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL ở các cấp, các ngành còn mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi trong tình hình mới; cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu... Để phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được qua 10 năm thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng trở thành chuẩn mực trong ứng xử của người dân, hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2061/UBND-NC ngày 16/03/2023 về việc đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa của công tác PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền con người và quyền công dân; coi đó là một bộ phận không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống trở thành ý thức, hành động của từng cá nhân, tổ chức trong xã hội.
2. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và các Chương trình, đề án về công tác PBGDPL của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan trung ương trong cơ quan, đơn vị và ngành mình quản lý.
3. Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với triển khai có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”,  Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Khi thực hiện thông tin, phổ biến về các lĩnh vực pháp luật cần gắn với việc đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của đối tượng PBGDPL, thông tin tới Nhân dân về cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
4. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, xác định đây là giải pháp căn cơ để đổi mới, đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu tự học tập, tìm hiểu pháp luật của người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Tập trung PBGDPL trên Trang thông tin điện tử PBGDPL của tỉnh và Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các ứng dụng trên thiết bị di động; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tập huấn pháp luật trực tuyến; nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong PBGDPL. Phát huy vai trò, thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và Nhân dân.
5. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tỉnh phải chủ động phát huy vai trò tư vấn, trách nhiệm tham mưu cho UBND cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong xây dựng chương trình dài hạn, hằng năm về PBGDPL; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp thực hiện PBGDPL giữa các cơ quan đơn, đơn vị, địa phương; có biện pháp hợp lý để phát huy vai trò của các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật.
6. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu công tác PBGDPL; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề luật như luật sư, luật gia. Có chính sách ưu tiên sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL.
7. Trên cơ sở kế hoạch PBGDPL hằng năm, phải chủ động lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp chung trong dự toán ngân sách chi thường xuyên hằng năm của cơ quan, đơn vị; thực hiện quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định pháp luật.
8. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL, trọng tâm là chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, sơ kết, tổng kết, xây dựng, nhân rộng các cách thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả; biểu dương, tôn vinh các gương sáng trong xây dựng, thi hành pháp luật. Thực hiện đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng lượng hóa kết quả đầu ra, ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL.
9. Chú trọng công tác truyền thông, đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật theo hướng truyền thông dẫn dắt, chủ động tuyên truyền về các chính sách, các văn bản pháp luật mới để người dân biết, đồng tình, tin tưởng, ủng hộ, thực hiện, kiểm tra và người dân được thụ hưởng kết quả. Công tác PBGDPL cần tiếp tục đổi mới, đặt trọng tâm vào các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế, bảo đảm pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ Nhân dân
10. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức rà soát, tham mưu, đề xuất về xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công PBGDPL. Chủ động đề xuất xây dựng kế hoạch đào tạo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL; biên soạn tài liệu, sổ tay pháp luật và các tài liệu phổ biến khác cấp phát cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL các cấp.
11. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường sự tham gia, đóng góp vai trò tích cực để chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, giáo dục và có các biện pháp vận động Nhân dân nâng cao hiểu biết về pháp luật, tạo thói quen nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức.
Hoàng Thị Diễm Xuân