Nhằm tập trung phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ, nhân dân trong đấu tranh phòng, chống ma tuý, góp phần tăng cường trật tự kỷ cương, ngăn ngừa có hiệu quả các vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm phòng, chống ma tuý (thời gian từ 26/5/2007 đến 26/9/2007).
Các nội dung tập trung tuyên truyền, phổ biến trong đợt cao điểm này là các văn bản pháp luật về công tác phòng, chống ma tuý như: Bộ luật hình sự năm 1999 (trọng tâm vào Chương XVIII các tội phạm về ma tuý); Luật Phòng, chống ma tuý; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh Phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh; Nghị định số 43/2005/NĐ-CP ngày 5/4/2005 quy định việc đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưư trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh; Nghị định 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn xã hội…
Hình thức triển khai công tác phòng chống ma tuý đợt cao điểm được xác định bao gồm các hình thức, biện pháp như: Thông qua Hội nghị, cuộc họp để phổ biến các quy định của pháp luật về công tác phòng chống ma tuý đến cán bộ, nhân dân; Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Trang tin điện tử của Sở Tư pháp, Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn, Đài Truyền thanh -Truyền hình huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở để tuyên truyền tới cán bộ, nhân dân; Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trực tiếp của các Báo cáo viên pháp luật; Phát hành tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu như: đề cương tuyên truyền, đĩa CD có nội dung phòng chống ma tuý; Tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các Câu lạc bộ “tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, Câu lạc bộ “nông dân với pháp luật”, Câu lạc bộ “trợ giúp pháp lý”; Thông qua hoạt động quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; công tác Trợ giúp pháp lý, Thi hành án dân sự thường xuyên tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống ma tuý cho mọi tầng lớp nhân dân; Kết hợp tổ chức triển khai thực hiện Luật phòng, chống ma tuý với việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và công tác phòng, chống mại dâm./.
Đức Khoa