Thực hiện xóa án tích trong cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

21/01/2019
Xóa án tích là một chế định mang tính nhân đạo của pháp luật hình sự, thể hiện sự thừa nhận về mặt pháp lý rằng người bị kết án không còn mang án tích nữa và không phải tiếp tục gánh chịu hậu quả do việc kết án mang lại.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 toàn bộ việc xóa án tích đối với các trường hợp đương nhiên được xóa án tích do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện cho t/h CDVN mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú và người nước ngoài đã cư trú ở Việt Nam hoặc do Sở Tư pháp thực hiện đối với các trường hợp CDVN thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; CDVN đang cư trú ở nước ngoài; người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Quy định này đã thống nhất việc cấp phiếu LLTP trong đó bao gồm cả việc xác minh về một mối. Theo đó, người được xóa án tích sẽ được Trung tâm LLTPQG hoặc Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP ghi nội dung “Không có án tích” - đối với Phiếu số 1- hoặc “ Đã được xóa án tích ngày....tháng...năm...” - đối với Phiếu số 2.
Để chủ động triển khai thi hành nhiệm vụ mới là Xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đầu năm 2016 Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam đã chủ động phối hợp, đề nghị các ngành Công an, TAND, VKSND, Thi hành án dân sự phổ biến đến các đối tượng liên quan những quy định mới về thủ tục Xóa án tích; cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin cho Sở Tư pháp để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP trên địa bàn tỉnh; trong thời gian này Sở cũng đã trực tiếp thực hiện việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi tiếp nhận yêu cầu cấp phiếu LLTP.
Sự chủ động trong việc sớm triển khai các quy định về Xóa án tích trong cấp Phiếu LLTP đã tạo nhiều thuận lợi cho Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam khi chính thức tiếp nhận thẩm quyền thực hiện xóa án tích theo quy định của BLHS năm 2015. Kết quả từ khi thực hiện xóa án tích đến nay như sau:
Từ 01/7/2016 đến 31/12/2018, tiếp nhận và xử lý 32.491 thông tin từ hàng trăm đầu mối cơ quan liên quan cung cấp và đã giải quyết dứt điểm, không để xảy ra tình trạng tồn đọng thông tin nào; cấp 14.005 Phiếu LLTP (trong đó xóa án tích cho 483 trường hợp, chiếm 0,34% trên tổng số Phiếu LLTP được cấp), gửi 1046 văn bản xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích.
Nhằm góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, bên cạnh việc chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP đầy đủ, chính xác, kịp thời làm cơ sở thực hiện cấp Phiếu LLTP, không bỏ sót thông tin, Sở Tư pháp đã rút ngắn thời hạn cấp Phiếu LLTP sớm hơn 3 ngày so với thời hạn quy định. Điều này, mặc dù đã làm cho tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ LLTP cao hơn so với việc giữ nguyên thời hạn giải quyết theo quy định (do sự phức tạp trong các hồ sơ xóa án tích); áp lực cho những người làm công tác LLTP cũng nhiều hơn nhưng bù lại, có hơn 99% hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP của công dân sẽ được nhận kết quả sớm hơn thời hạn quy định (tỷ lệ Phiếu LLTP cấp trễ hẹn năm 2018 là 0,79%) , theo đó, cơ hội được có việc làm, được tuyển dụng, được kinh doanh, được xuất cảnh...của hầu hết các trường hợp được rộng mở hơn. Đối với các trường hợp Xóa án tích, Sở cũng đề ra nhiều giải pháp tích cực để giảm tối đa tỷ lệ Phiếu cấp trễ hẹn, như: Phối hợp, hướng dẫn với các cơ quan Công an các huyện tập hợp, thu thập đầy đủ thông tin về quá trình thi hành bản án của người cần xóa án tích cũng như, tạo điều kiện thuận lợi để nộp hồ sơ theo cơ chế ủy quyền, do nhiều trường hợp trong số họ còn tâm lý mặc cảm, e ngại khi đến cơ quan công quyền...; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện nhiều hình thức thu thập thông tin để làm cơ sở xóa án tích cho đương sự...
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Xóa án tích tại Sở Tư pháp đã, đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như sau:
- Thứ nhất: Luật LLTP chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn cấp Phiếu LLTP và cơ chế phối hợp xác minh cho các trường hợp thực hiện đương nhiên xóa án tích, trong khi công việc này lại khá phức tạp và mất nhiều thời gian (nghĩa là hiện nay, thủ tục cấp Phiếu LLTP cho các trường hợp yêu cầu xóa án tích vẫn được thực hiện như các trường hợp yêu cầu cấp Phiếu LLTP bình thường về thủ tục, trình tự, thời hạn, phí ...), nên đa số hồ sơ xóa án tích đều bị trả kết quả trễ hạn so với quy định, cụ thể, trong số 483 hồ sơ cấp Phiếu LLTP để xóa án tích thì có 258 hồ sơ trễ hạn, chiếm 54%, có hồ sơ trễ đến 06 tháng, thậm chí hơn và mặc dù tỷ lệ trễ hẹn chung trong cấp Phiếu LLTP năm 2018 của Sở Tư pháp chỉ có 0,79%, nhưng đó đều là các trường hợp yêu cầu cấp Phiếu LLTP để xóa án tích hoặc người yêu cầu cấp Phiếu LLTP đã từng bị bắt, điều tra, khởi tố nhưng thông tin bản án chưa rõ ràng.
- Thứ hai: Hệ thống cơ sở dữ liệu trên phần mềm quản lý LLTP dùng chung từ Trung tâm LLTPQG đến các Sở Tư pháp chưa đầy đủ, hoàn thiện thông tin về án tích để thực hiện tra cứu cấp Phiếu LLTP nói chung và xác nhận điều kiện đương nhiên xóa án tích nói riêng, cụ thể:
Luật LLTP quy định Cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng và quản lý tại Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại Sở Tư pháp chỉ thực hiện cập nhật những thông tin có sau ngày 1-7-2010 (ngày Luật LLTP có hiệu lực), còn những thông tin có trước ngày 1-7-2010, Sở Tư pháp chỉ thực hiện cập nhật khi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp. Nhưng, cũng phải nói rằng việc chủ động cung cấp thông tin của các cơ quan này là khá hạn chế.
Do vậy, khó khăn lớn nhất trong xóa án tích là Sở Tư pháp không có đủ thông tin về bản án hình sự hoặc không có đủ thông tin về quá trình đương sự thi hành các quyết định trong bản án...Bên cạnh đó, việc xác định một người có thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian có án tích hay không cũng là một khó khăn không nhỏ, do cơ sở dữ liệu LLTP hiện nay không quản lý và lưu trữ các thông tin từ giai đoạn khởi tố mà chỉ cập nhật thông tin từ giai đoạn bản án có hiệu lực pháp luật.
  - Thứ ba: Khó khăn do tính chất phức tạp, đa dạng của nhiều hồ sơ xóa án tích, như: bản án mà đương sự phải thi hành đã được Tòa án tuyên khá lâu nên người bị kết án cũng như các cơ quan không còn lưu giữ được các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thi hành bản án... hoặc những trường hợp một người có nhiều án tích hoặc cư trú ở nhiều địa phương khác nhau. Có những trường hợp, Sở Tư pháp đã phải xác minh đến 7 - 8 cơ quan, trong nhiều tháng nhưng vẫn chưa đủ căn cứ xác định rõ tình trạng án tích của công dân để có cơ sở cấp phiếu.
- Thứ tư: Cơ chế, trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan liên quan cho Sở Tư pháp để thực hiện xóa án tích chưa được quy định chặt chẽ, rõ ràng, nên rất nhiều văn bản xác minh được Sở Tư pháp gửi đi nhưng thông tin phản hồi lại khá hạn chế hoặc phải gửi đi gửi lại nhiều lần.
Mặc dù, để tháo gỡ cơ bản những vướng mắc nêu trên, TTLLTPQG đã có một số văn bản hướng dẫn, theo đó Sở Tư pháp vẫn được quyết định xóa án tích cho những trường hợp thông tin có trước ngày 01/7/2010 mà không có hồ sơ, giấy tờ tài liệu chứng minh tình trạng thi hành bản án của người yêu cầu xóa án tích. Tuy nhiên, Sở Tư pháp chỉ được quyết định xóa án tích sau khi kiểm tra hồ sơ đảm bảo được điều kiện về thời gian được đương nhiên xóa án tích, cam đoan của đương sự về việc đã chấp hành xong bản án và các quyết định định khác, cùng với việc thực hiện tất cả quy trình xác minh nêu trên mà vẫn không thu thập được thông tin làm cơ sở xóa án tích. Do vậy, Sở Tư pháp phải mất thời gian khá dài mới có thể xóa án tích được cho những trường hợp này.
- Thứ sáu: Xóa án tích là một nhiệm vụ mới, khá phức tạp lại được bổ sung trong điều kiện những công việc thường xuyên trước đó của công tác LLTP ngày càng nặng:lượng thông tin cập nhật mỗi ngày để xây dựng CSDLLLTP, số cấp Phiếu LLTP năm sau luôn tăng hơn năm trước cùng với yêu cầu cải cách hành chính, rút ngắn thời hạn cấp Phiếu LLTP đã tạo nên áp lực khá lớn cho những người làm công tác LLTP (Cụ thể số lượng Phiếu LLTP năm 2018 là 6300, gần gấp đôi số phiếu của năm 2016 và tăng 10% so với số phiếu năm 2017). Bên cạnh đó, công tác này lại được giao cho Phòng Hành chính Tư pháp thuộc Sở Tư pháp (trừ một số ít Sở Tư pháp được thành lập riêng Phòng quản lý LLTP), là phòng chuyên môn thực hiện nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, điều này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả của công tác LLTP cũng như các nhiệm vụ khác cả Phòng.
Với những khó khăn, bất cập trên, để bảo đảm thi hành hiệu quả các quy định của BLHS và Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 về đương nhiên xóa án tích; đảm bảo quyền lợi cho những cá nhân cần sớm tái hòa nhập cộng đồng, sớm tiếp tục một cuộc sống bình thường, xin đề xuất các cơ quan chức năng có thẩm quyền một số nội dung sau:
Thứ nhất: - Cần quy định tách bạch thủ tục, hồ sơ, quy trình, thời hạn trả kết quả cấp Phiếu LLTP cho các trường hợp yêu cầu xóa án tích... với thủ tục cấp Phiếu LLTP đối với các trường hợp thông thường (không có án tích).
Thứ hai: - Quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, UBND cấp xã... về điều kiện đương nhiên xóa án tích của người bị kết án cũng như thông tin về hành vi phạm tội mới trong thời gian có án tích của người bị kết án.
Thứ ba: - Hạn chế các quy định về việc yêu cầu cá nhân nộp Phiếu LLTP trong những trường hợp thực sự không cần thiết do cơ quan, tổ chức trong thời gian quản lý đã biết rõ tình trạng nhân thân của cá nhân đó như: xét chuyển ngạch, bổ nhiệm đối với công chức, viên chức...; cần quy định chặt chẽ đối với quyền yêu cầu cấp Phiếu số LLTP số 2, vì những điều này cũng góp phần làm tăng khối lượng cấp phiếu LLTP, tạo áp lực cho người thực hiện; bất lợi trong việc tái hòa nhập cộng đồng cho người yêu cầu cấp phiếu số 2 trong trường hợp trước đây từng phạm tội .
Thứ tư: - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác LLTP. Trang bị cơ sở vật chất hiện đại hơn để rút ngắn được nhiều thời gian, công sức hơn cho việc tiếp nhận, cập nhật, chuyển tải thông tin; đảm bảo biên chế để thực hiện nhiệm vụ cập nhật thông tin, cấp Phiếu LLTP và đặc biệt là thực hiện Xóa án tích theo quy định của Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành…
            Trần Thị Kim Phụng - Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam