Khánh Hòa: Tăng cường quản lý, phối hợp tuyên truyền về hoạt động thừa phát lại

10/01/2019
Khánh Hòa: Tăng cường quản lý, phối hợp tuyên truyền về hoạt động thừa phát lại
UBND tỉnh vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc tăng cường quản lý, phối hợp và tuyên truyền, phổ biến về hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

 

Thời gian qua, triển khai thực hiện Quyết định số 1471/QĐ-BTP ngày 15/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2018, trên địa bàn tỉnh có 2 Văn phòng thừa phát lại được thành lập và hoạt động (Văn phòng Thừa pháp lại Nha Trang và Văn phòng Thừa phát lại Cam Ranh). Hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã giúp người dân thực hiện quyền công dân trong việc lựa chọn và yêu cầu một số dịch vụ pháp lý, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tham gia tố tụng. Tuy nhiên, hoạt động thừa phát lại là lĩnh vực mới, chỉ được phê duyệt triển khai ở một số địa phương, mô hình tổ chức, hoạt động, phạm vi công việc và cơ chế, điều kiện hoạt động chưa được quy định cụ thể. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như nhận thức, sự hiểu biết của người dân, doanh nghiệp và của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, ở địa phương về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chế định Thừa phát lại còn hạn chế, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại chưa đồng đều giữa các mảng công việc.  
 Để khắc phục khó khăn, hạn chế nêu trên, đồng thời nhằm tăng cường công tác quản lý, phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chế định thừa phát lại nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan đối với hoạt động thừa phát lại; tăng cường kiểm tra tổ chức và hoạt động thừa phát lại, nhất là trong hoạt động lập vi bằng để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời nắm bắt, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thừa phát lại; triển khai thực hiện chế định thừa phát lại theo quy định của pháp luật…
H.Dung