Góp phần thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả, đội ngũ làm công tác pháp chế tại các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong 5 năm qua đã thực hiện tích cực các nhiệm vụ: tham mưu, hỗ trợ thủ trưởng đơn vị xây dựng thể chế hoạt động, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và kiểm soát thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt do có thông tư liên tịch (TTLT) giữa các bộ, ngành đã hạn chế việc duy trì, phát huy hiệu quả tổ chức pháp chế tại các đơn vị.
Qua 5 năm thực hiện Nghị định Số 55/2011/NĐ-CP (Nghị định số 55) của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có 5/14 cơ quan thành lập phòng Pháp chế là các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Tài chính; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 1 tổ chức pháp chế thuộc Công an tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các bộ đều có TTLT với Bộ Nội vụ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, theo đó quy định bỏ phòng Pháp chế (trừ bộ Giao thông vận tải quy định thành lập phòng Pháp chế an toàn). Do đó, Sở Công thương đã bỏ phòng pháp chế (tháng 3/2016). Các cơ quan còn lại vẫn đang “loay hoay” tìm cách thay đổi hoạt động phòng Pháp chế cho phù hợp với tinh thần của TTLT. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển thành phòng Tổ chức pháp chế. Riêng sở Tài nguyên và môi trường do yêu cầu nhiệm vụ nên vẫn giữ nguyên hoạt động phòng Pháp chế. Các sở, ngành còn lại bố trí một cán bộ làm công tác pháp chế do các phòng, đơn vị khác kiêm nhiệm, đa số công tác tại Văn phòng hoặc Thanh tra. Đối với các sở, ngành chưa thành lập phòng Pháp chế thì hoạt động ở lĩnh vực này chưa thực sự nổi bật.
Bản thân Nghị định số 55 trong quá trình thực hiện vẫn còn một số điểm bất cập về thể chế như: tại Điều 9,
việc thành lập tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là bắt buộc. Đồng nghĩa với việc, các cơ quan, đơn vị phải tự cân đối, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ pháp chế với đúng số lượng biên chế hiện tại của cơ quan, phải bảo đảm đúng yêu cầu về cải cách hành chính (khi thành lập mới không làm tăng bộ máy, tăng biên chế, tăng kinh phí…), đây là vấn đề gây nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 12 quy định công chức, cán bộ và viên chức pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Mặc dù Nghị định số 55 đã thực hiện được 5 năm nhưng quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ làm công tác pháp chế vẫn chưa thực hiện được dẫn đến chưa có sự động viên kịp thời.
Điều 12 Nghị định số 55 quy định tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân Luật trở lên, tuy nhiên do quy định về biên chế nên rất khó bố trí đúng người có trình độ chuyên môn. Thực tế hiện nay, công chức pháp chế các sở, ngành đều có kiến thức pháp lý nhất định, tuy nhiên chưa bảo đảm đúng về tiêu chuẩn theo quy định; 8/17 cán bộ pháp chế có trình độ cử nhân Luật, còn lại là trình độ đại học chuyên ngành khác. Đội ngũ công chức pháp chế của địa phương đã được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ về công tác pháp chế. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã cử trên 65 lượt cán bộ pháp chế đi tập huấn nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức; 70 lượt cán bộ tham gia tập huấn do Sở Tư pháp tổ chức. Trên thực tế, cán bộ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm lại thực hiện quá nhiều nhiệm vụ theo Nghị định số 55 và các quy định bổ sung mới hiện nay, tuy nhiên trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; trình độ, năng lực từng bước được nâng lên song một số cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong công tác pháp chế có nhiều chuyển biến nhưng một số việc vẫn còn chậm. Nhận thức về vai trò, vị trí của công tác pháp chế, việc xác định trách nhiệm nghiên cứu, học tập và chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận công chức viên chức chưa đầy đủ, còn mang tính hình thức. Thực tế, thủ trưởng một số cơ quan chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác pháp chế, chưa quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời Nghị định số 55, thiếu sự quan tâm đúng mức đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này. Sự phối hợp còn chưa kịp thời, chặt chẽ giữa cán bộ pháp chế của các sở, ngành với bộ phận chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ, như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do các sở, ngành chủ trì nên đã dẫn đến tình trạng chất lượng dự thảo VBQPPL chưa cao, còn nhiều lỗi về quy trình, kỹ thuật, nội dung, hình thức…; vai trò của pháp chế trong công tác rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra, xử lý VBQPPL cũng chưa được thực hiện đúng yêu cầu.
Trên thực tế, công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị đã thành lập phòng Pháp chế thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực về xây dựng pháp luật; rà soát, kiểm tra, xử lý hệ thống VBQPPL; PBGDPL; theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hỗ trợ pháp lý... Tuy nhiên, thời gian tới cần thiết phải có những sửa đổi trong cơ chế, những quy định của Nghị định số 55 để hoạt động pháp chế tại các đơn vị được thực hiện có tổ chức và đạt được nhiều hiệu quả hơn nữa. Cụ thể: Về tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế ngoài bằng cử nhân Luật có thể bố trí người có trình độ cử nhân khác, nhưng phải bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế hằng năm do Bộ Tư pháp tổ chức; Quy định cụ thể mức phụ cấp nghề đối với cán bộ làm công tác pháp chế tại Sở Tư pháp và các cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND tỉnh để áp dụng thống nhất…/.
Cẩm Tú