Nghệ An: Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 29.079 vụ vi phạm hành chính

28/06/2016
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết trên địa bàn tỉnh Nghệ An được các cơ quan, đơn vị và cá nhân có thẩm quyền, trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước được giao đã tích cực tham mưu, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để kịp thời triển khai các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn đến từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo cho công tác thi pháp hành luật về xử lý vi phạm hành chính thực hiện thống nhất và có hiệu quả.
Để tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ áp dụng pháp luật, trong 06 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh, các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới nhiều phương thức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ để phát huy hiệu quả vai trò của công tác này.
 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 03/2/2016 về quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2016, trong đó xác định nhiệm vụ kiểm tra tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính là một trong những nội dung chính cần phải triển khai thực hiện. Tại các Sở, Ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện việc tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được thực hiện dưới nhiều hình thức mới, đa dạng hơn; Một số UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã nâng cao được vai trò, trách nhiệm phối hợp của các Phòng, ban, ngành có liên quan.
Trong 06 tháng đầu năm 2016, tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong 06 tháng đầu năm vẫn đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp, các lĩnh vực vi phạm ngày càng đa dạng và tập trung nhiều ở một số lĩnh vực như: trật tự xã hội, an toàn giao thông; môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm các nội dung về hợp đồng lao động, an toàn lao động và tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn…
Từ 01/10/2015 đến ngày 31/5/2016, các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 29.079 vụ vi phạm hành chính, tiến hành thủ tục xử phạt đối với 28.695 vụ, đạt tỉ lệ 98,7%. Số đối tượng vi phạm hành chính là 29.424 đối tượng, trong đó cá nhân 27.365 đối tượng, chiếm tỉ lệ 93%; tổ chức 2.059 đối tượng, chiếm tỉ lệ 7%. Số đối tượng vi phạm là nam chiếm tỉ lệ lớn hơn nhiều lần so với số đối tượng vi phạm là nữ (nam 86%, nữ 14%). Trong tổng số 27.365 cá nhân vi phạm, người thành niêm chiếm tỉ lệ cao 97,1%, người chưa thành niên chỉ chiếm 2,9%. Như vậy, theo số liệu được báo cáo, so với cùng kỳ năm 2015, số vụ việc vi phạm hành chính được phát hiện trong 06 tháng đầu năm 2016 có chiều hướng giảm (giảm 32.140 vụ), đối tượng bị xử phạt là người thành niên chiếm tỉ lệ lớn, đây là những đối tượng có đầy đủ nhận thức, năng lực hành vi nhưng lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính; thực trạng đó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận lớn nhân dân còn rất hạn chế.
Kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ 01/10/2015 đến 31/4/2016 cụ thể như sau: Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành: 28.278 (giảm 30.866 quyết định so với cùng kỳ năm 2015); Số quyết định đã thi hành: 27.227, đạt tỉ lệ 96,3%; Số quyết định chưa thi hành xong: 1.060. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm hoàn thành việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó một số nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức, cá nhân vi phạm có điều kiện kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành quyết định; một số đối tượng cố tình không chấp hành quyết định xử phạt, trong khi việc tổ chức cưỡng chế thi hành gặp nhiều khó khăn, chi phí để tổ chức lực lượng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt lớn hơn nhiều lần so với mức tiền phạt. Việc thi hành quyết định xử phạt VPHC trong trường hợp đối tượng là người lao động tự do, sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp gặp nhiều khó khăn. Số quyết định bị cưỡng chế thi hành: 18 quyết định. Số tiền phạt thu được: 63.613.730.650 đồng. Số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 6.395.314.600 đồng. Số tang vật, phương tiện bị tịch thu chủ yếu là hàng hoá nhập lậu (ô tô, mỹ phẩm, hàng điện tử, lâm sản…).
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã được các chức danh có thẩm quyền áp dụng theo đúng quy định, đầy đủ và linh hoạt để vừa phát huy hiệu quả, tác dụng của từng hình thức vừa đảm bảo tính răn đe, giáo dục. Theo đó, hình phạt tiền và phạt cảnh cáo là hai hình thức xử phạt chính được áp dụng thường xuyên.
Về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: một số biện pháp hiệu quả thường xuyên được áp dụng như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm gây hại, buộc tháo dỡ công trình vi phạm… Bên cạnh đó một số biện pháp ít khi được áp dụng hoặc hầu như không áp dụng như: Cải chính thông tin, nộp lại khoản thu bất hợp pháp hoặc số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu huỷ; đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam…
Về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC: các biện pháp thường xuyên áp dụng là giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề… Biện pháp ít được áp dụng như khám người; tạm giữ người; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện…
Các lĩnh vực xảy ra nhiều hành vi vi phạm hành chính: an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đất đai; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; ma tuý; an toàn lao động; bảo vệ môi trường…
Thời gian qua, việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ bản theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/4/2016 các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh đã lập 704 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Trong 704 hồ sơ được đề nghị có 675 đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, chiếm tỉ lệ 95,9%. Trong đó: Số đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn: 215 đối tượng, chiếm 30,5% so với tổng số đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Số đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng: 25 đối tượng, chiếm tỉ lệ 5.4% tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp XLHC do Toà án quyết định; Số đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 16 đối tượng, chiếm tỉ lệ 3.5% tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp XLHC do Toà án quyết định; Số đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện: 419 đối tượng, chiếm tỉ lệ 91,1% tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp XLHC do Toà án quyết định. Từ số liệu thống kê cho thấy, đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn và đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là hai đối tượng chiếm tỉ lệ lớn so với các đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác.
 Các vi phạm hành chính diễn ra hầu hết trên các địa bàn tỉnh số lượng hành vi vi phạm hành chính rất lớn, tập trung ở một số lĩnh vực phức tạp như: giao thông, an toàn xã hội, môi trường, xây dựng, đất đai, hải quan, thủ tục thuế, y tế, văn hóa - xã hội, thông tin và truyền thông, khoa học công nghệ, thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả... Các hành vi vi phạm hành chính diễn ra rất phức tạp, trong đó nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự. Nguyên nhân chủ yếu là do một số lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính quy định chế tài chưa đủ sức răn đe; tổ chức bộ máy thi hành pháp luật trong lĩnh vực XLVPHC chưa đáp ứng đầy đủ về số lượng để kịp thời phát hiện, xử lý nhằm hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về XLVPHC tại một số địa phương còn những hạn chế nhất định; ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân chưa cao; Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng, việc hướng dẫn chưa kịp thời nên ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động quản lý XLVPHC trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay Nghệ An đang tiếp tục triển Kế hoạch số 79/KH-UBND về Quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2016, trong đó xác định nhiệm vụ kiểm tra tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính là một trong những nội dung chính, thông qua công tác kiểm tra để phát hiện những sai sót và hạn chế tồn tại để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời và nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh./. 
 Nguyễn Quế Anh - Sở Tư pháp Nghệ An