Thực hiện Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 23/02/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngày 22/6/2016, Sở Tư pháp Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo “Thực trạng thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - Những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị”. Tham dự hội thảo là Chánh thanh tra các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh và đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở Tư pháp. Đồng chí Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Giám đốc Sở chủ trì hội nghị.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận, thẳng thắn đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp cho các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính nhằm đưa công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính ngày càng hiệu quả, hoàn thiện hơn.
Trong báo cáo tham luận, các đồng chí chánh thanh tra sở, ngành đã nêu rõ những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính mà các đồng chí gặp phải, trong đó có: Việc mẫu biên bản và mẫu quyết định xử phạt theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính còn chưa đầy đủ, khó áp dụng, ví dụ: Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không quy định mẫu quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và tại Điều 33 của Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC chỉ quy định những nội dung chính của quyết định cưỡng chế chứ không quy định mẫu cụ thể, nên đã gây ra sự lúng túng và khó khăn trong việc sử dụng biểu mẫu quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả…; Những bất cập trong việc thực hiện thủ tục xử lý tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; Bất cập trong quy định về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; Bất cập trong việc thực hiện thủ tục đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… cũng được các đại biểu thảo luận và đưa ra những đề xuất, ý kiến, nhằm tháo gỡ những bất cập, khó khăn, vướng mắc này.
Bên cạnh những ý kiến, đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu còn mạnh dạn đưa ra đề xuất như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Tăng cường nguồn nhân lực và vật lực cho công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính.
Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Chỉnh – Phó Giám đốc Sở đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội thảo. Đây là những khó khăn, vướng mắc thực tế trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của các đồng chí Chánh thanh tra các Sở, ngành. Sở Tư pháp sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc này và gửi lên Bộ Tư pháp.
Trần Nội – Sở Tư pháp Thái Nguyên