Nghệ An: Những vướng mắc từ thực tiễn triển khai thực hiện NĐ 111/2013/NĐ-CP

13/01/2016
Sau khi Nghị định 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ có hiệu lực ban hành, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
 

Sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị định 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 20/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp, được các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện cơ bản nghiêm túc, đúng trình tự thủ tục, đúng người, đúng đối tượng. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, đồng thời áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau như giáo dục thuyết phục, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ vay vốn, sản xuất kinh doanh…vì vậy công tác giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giám sát, ngăn ngừa đối tượng tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội và giúp họ sửa chữa sai lầm, hoà nhập với cộng đồng nơi cư trú.

Trong 02 năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 2.399 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong đó: Số đối tượng có quyết định áp dụng: 2.344 đối tượng; Số đối tượng đã thi hành quyết định: 2.220 đối tượng; Số người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp thay thế XLVPHC quản lý tại gia đình: 196 đối tượng.  Các đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chủ yếu là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong đó chiếm tỉ lệ lớn là người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định.

Thực tiễn áp dụng cho thấy nhiều đối tượng đã nghiêm chỉnh chấp hành quyết định áp dụng, các đối tượng sau khi đưa vào quản lý đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự và nhận được sự đồng tình của quần chúng nhân dân. Trong 02 năm trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào bị khiếu nại, khiếu kiện.

Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định còn có những khó khăn, vướng mắc trong triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Nghị định 111/2013/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2013, nhưng Thông tư 20/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp và Thông tư 42/2014/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn các biểu mẫu để sử dụng trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn 01 năm sau mới được ban hành. Bên cạnh đó, Thông tư của Bộ Tư pháp và Bộ Công an có hiệu lực cùng một ngày, cùng hướng dẫn việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng biểu mẫu chưa có sự quy định thống nhất, đồng bộ gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc áp dụng, thực hiện.

Quy định về “đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn” của Nghị định 111/2013/NĐ-CP có một số nội dung không thống nhất so với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:  Điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 4 Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định điều kiện để các đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn là “trong 06 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi…” Trong khi đó, khoản 3, khoản 5 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định điều kiện áp dụng cũng đối với các đối tượng trên như sau: “02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi …”. Như vậy Luật không đặt ra điều kiện hành vi vi phạm đó có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không, việc Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định điều kiện “bị xử phạt vi phạm hành chính” là không thống nhất với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Với điều kiện “ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong 06 tháng” theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 111/2013/NĐ-CP dẫn đến trong một số trường hợp việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn gặp khó khăn, vướng mắc. Nghị định không quy định điều khoản bắt buộc cơ quan, cá nhân xử phạt vi phạm hành chính phải có trách nhiệm gửi hồ sơ xử phạt về địa phương mà người vi phạm cư trú để theo dõi, quản lý, do đó nhiều trường hợp, mặc dù đối tượng lần đầu bị địa phương nơi cư trú phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính nhưng thực tế đối tượng có thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó ở địa bàn khác; hoặc đối tượng có cư trú tại địa phương nhưng thường xuyên lang thang, vắng mặt, ít vi phạm tại nơi cư trú nhưng lại vi phạm nhiều tại địa bàn khác trong khi đó Nghị định lại chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các địa phương nên gây không ít khó khăn trong quá trình xác minh và xử lý.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Nghị định 111/2013/NĐ-CP thì “trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người được giáo dục không tiến bộ, vi phạm cam kết và đã được người được phân công giúp đỡ nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa thì tổ chức được giao quản lý, giáo dục báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức cuộc họp tại cơ sở để góp ý đối với người được giáo dục”. Trên thực tế cuộc họp rất khó có thể tổ chức được, vì theo quy định “trường hợp người được giáo dục vắng mặt thì phải hoãn cuộc họp”, hầu hết các đối tượng nêu trên đều cố tình trốn tránh, lẩn trốn để không tham gia cuộc họp và tiếp tục các hành vi vi phạm ngoài xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.

Lực lượng cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ ở một số địa phương vùng núi, vùng khó khăn còn đang thiếu và yếu, trong một số điều kiện còn phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác khác nhau dẫn đến việc theo dõi, quản lý và tiến hành áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại các địa phương này còn chưa thực sự được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả.

Các phương án về đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các đối tượng chưa thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, đa số đối tượng có trình độ thấp, nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn ngần ngại trong việc tiếp nhận những đối tượng lao động này. Nguồn lực (nhất là vốn) để thực hiện công tác này còn hạn chế.

Tại một số ít địa phương, cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể còn xem nhẹ biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nhận thức đó là nhiệm vụ của riêng ngành công an nên sự phối hợp thực hiện ở một số địa phương còn mang tính thụ động, hình thức.

Công tác tuyên truyền, cảm hoá, giáo dục, vận động đối tượng của một số ngành, đoàn thể tại địa phương còn chưa được thường xuyên và liên tục; ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế; bên cạnh đó một bộ phận nhân dân, nhất là đối với những gia đình có con em vi phạm còn ngại trong việc phối hợp cùng với chính quyền địa phương dẫn đến không phát huy được hiệu quả của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, các đối tượng sau đó lại tiếp tục vi phạm, gây ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và tình hình an ninh trật tự của địa phương.

Từ những bất cập nêu trên chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới  Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành trung ương có liên quan phối hợp rà soát lại các văn bản QPPL liên quan đến việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn, kịp thời nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bất cập nêu trên.

Bộ Tư pháp và Bộ Công an cần ban hành Thông tư hướng dẫn thống nhất chung về biểu mẫu để lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Nghị định 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ tạo sự thống nhất  trong tổ chức thực hiện./

 Nguyễn Quế Anh- Sở Tư pháp Nghệ An