Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

24/03/2015
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Sáng ngày 19/3/2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi). Dự Hội nghị có đồng chí Trần Xuân Hùng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn luật sư và một số chuyên gia trong lĩnh vực dân sự…

Bộ luật Dân sự là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình. Việc sửa đổi, bổ sung BLDS không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại của BLDS năm 2005, đáp ứng yêu cầu phát triển kinhh tế - xã hội, quan trọng hơn là phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Do đó, để xây dựng BLDS trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam, Chính phủ đề ra mục tiêu sửa đổi BLDS là: Xây dựng BLDS trở thành bộ luật nền có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

 

 

Tại Hội nghị các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận toàn bộ nội dung Dự thảo BLDS (sửa đổi), trong đó, đi sâu phân tích, làm rõ nhiều nội dung quan trọng trong Dự án BLDS (sửa đổi): Phạm vi điều chỉnh và bố cục Dự thảo BLDS (sửa đổi); những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu; tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự; việc không quy định thời hiệu khởi kiện; hình thức sở hữu; việc sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý dân sự” thay cho thuật ngữ “giao dịch dân sự”, thuật ngữ “vật quyền” và nội dung của vật quyền. Các đại biểu cũng đã làm rõ thêm nội dung quy định việc áp dụng tập quán và áp dụng tương tự pháp luật, các loại pháp nhân; hộ gia đình, tổ chức pháp nhân và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản cầm cố, thế chấp… Ngoài ra, các đại biểu đưa ra một số kiến nghị như: không nên thay đổi những thuật ngữ trong BLDS 2005, tạo thuận lợi cho việc áp dụng luật; không nên quy định lại các quyền nhân thân đã được ghi nhận trong Hiến pháp mà chỉ nên quy định một số quyền nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự…

Cẩm Tú