Kết quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sau 4 năm nhìn lại

09/03/2015
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay thì vai trò của doanh nghiệp ngày càng được khẳng định và được coi là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết thông tin về các quy định của pháp luật, đặc biệt là ý thức, thói quen áp dụng pháp luật của những người quản lý, người đứng đầu doanh nghiệp còn hạn chế.
 

Nắm bắt được thực trạng này và nhằm giúp doanh nghiệp được tiếp cận thông tin pháp luật, ngày 22/5/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, ngày 27/7/2011, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-UBND về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015. Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Sau 4 năm thực hiện chương trình thì công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có những kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là kết quả công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong công tác xây dựng, đào tạo, nâng cao trình độ  cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Với phương thức khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, từ đó định hướng bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho phù hợp với đối tượng, trình độ thực tế của doanh nghiệp. Trong 4 năm (2011-2014), Sở Tư pháp đã thành lập các Đoàn khảo sát tiễn hành khảo sát thực tiễn bằng việc phát phiếu khảo sát và phỏng vấn trực tiếp gần 700 đối tượng là doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh về nhu cầu hỗ trợ pháp lý. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Hội doanh nghiệp trẻ, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Cục thuế tỉnh, Ngân hàng nhà nước tỉnh, Báo Ninh Bình, Đài phát thanh và truyền Hình tỉnh tổ chức 15 Hội nghị, tọa đàm, tập huấn thu hút 2000 lượt người tham dự. Nội dung của các Hội nghị là các quy định của pháp luật kinh doanh về hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, về giao dịch bảo đảm; các quy định của pháp luật về thuế, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, vệ sinh lao động…Thông qua các buổi tập huấn, tọa đàm đã cung cấp những kiến thức pháp luật cơ bản và giải đáp được những thắc mắc của doanh nghiệp cũng như đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh. Song song với hoạt động này, Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát, phân loại văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ ngày 01/01/2006 đến 30/6/2011 có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp với kết quả tiến hành rà soát, thu thập được 274 văn bản của UBND tỉnh và 132 văn bản của HĐND tỉnh; biên tập, in ấn, phát hành được 590 cuốn tài liệu hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cấp phát cho các huyện, thành phố, thị xã và một số đơn vị trên địa bàn tỉnh về các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp đã bước đầu nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật trong doanh nghiệp thể hiện qua nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp ngày càng tăng, doanh nghiệp đã chú trọng tới việc nghiên cứu pháp luật trước khi ký kết hợp đồng với đối tác. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, số lượng các doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh khác được thành lập ngày càng nhiều và đa dạng về hình thức và quy mô hoạt động. Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 17/10/2012, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 3.577 doanh nghiệp. Nhưng qua thực tế khảo sát cho thấy đa phần các doanh nghiệp này không có phòng Pháp chế hoặc cán bộ phụ trách pháp chế; vấn đề bảo hiểm, vệ sinh môi trường, an toàn lao động còn chưa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều này cho thấy mức độ quan tâm đến công tác pháp luật trong kinh doanh chưa được đề cao, nhiều doanh nghiệp chỉ tìm hiểu các quy định của pháp luật hoặc nhờ hỗ trợ pháp lý khi xảy ra các sự vụ như kiện tụng tranh chấp, tai nạn lao động…Nguyên nhân chính của tình trạng này là ý thức pháp luật của người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, hiểu biết và nhận thức pháp luật nói chung và nhận thức vai trò, ý nghĩa của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng chưa cao. Nhiều doanh nghiệp còn khó khăn về nguồn lực để tiếp cận với thông tin pháp lý và tư pháp luật…Tất cả những hạn chế trên đều dẫn đến hậu quả là không tăng cường được sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt.

Ngay tại các cơ quan nhà nước, số lượng cán bộ làm công tác pháp chế cũng vừa thiếu, vừa yếu. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 23 cán bộ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trong đó 100% cán bộ có trình độ đại học Luật. Tuy nhiên, hiện mới có 03 Sở gồm Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập được phòng Pháp chế…mặt khác cơ sở vật chất cho công tác pháp chế chưa được trang bị đầy đủ cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác của cán bộ làm công tác pháp chế.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với nhau và với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tham gia thực hiện công tác. Qua đó tận dụng được nguồn lực cũng như vị trí, vai trò của các cơ quan, đơn vị để mang lại hiệu quả cao, thuận lợi trong quá trình triển khai công việc.

 

Đoàn Thị Ngọc Hải