Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

03/02/2015
Qua 05 năm triển khai thực hiện, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến và đi vào ổn định, đạt được một số kết quả nhất định.
 

1. Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP

Nghị định số 66/2008/NĐ-CP nêu rõ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp và tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ theo quy định, cụ thể: Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Theo đó, từ năm 2008 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như: Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống các phần mềm cung cấp thông tin dữ liệu về doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng như hệ thống văn bản pháp lý phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Ngoài hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành trên Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, Cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh công bố và đăng tải đầy đủ các bộ thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực, trong đó bao gồm cả hoạt động liên quan đến doanh nghiệp; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây, đồng thời thu thập văn bản được ban hành trong thời gian trước đó để dần hoàn thiện hệ thống.

Biên soạn và phát hành 02 tập tài liệu chuyên đề pháp luật (5.000 quyển) để hỗ trợ doanh nghiệp; 53.700 tờ gấp; 420 sổ tay; 367 tài liệu tuyên truyền,… Các lĩnh vực pháp luật giới thiệu gồm: Pháp luật về cạnh tranh, thương mại, lao động, bảo hiểm xã hội,…

Tổ chức 04 đợt tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp cho doanh nghiệp, mỗi đợt có từ 150-200 doanh nghiệp tham dự. Tổ chức 03 đợt bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp với số lượng 100 người/đợt. Các Sở, ngành tổ chức bình quân 17 hội nghị/năm để bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành cho doanh nghiệp. Đối với các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh mời đại diện các doanh nghiệp có liên quan tham dự hội nghị triển khai được tổ chức hàng năm.

Đối với nhiệm vụ giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật, các ngành thực hiện thông qua bộ phận pháp chế của cơ quan, hoặc tổ công tác chuyên về hỗ trợ, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp (thuế, hải quan), hình thức giải đáp chủ yếu bằng văn bản và qua điện thoại. Tại các đợt khảo sát hoặc tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp phối hợp với các ngành ghi nhận ý kiến đóng góp, kiến nghị của doanh nghiệp về những vướng mắc trong thực hiện pháp luật và hướng hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Đã có nhiều kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, lao động, đất đai, tố tụng dân sự,…

Mô hình hiệu quả mà Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan triển khai và được ghi nhận, đó là tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp cho doanh nghiệp. Qua 04 đợt tổ chức, kết quả đạt được đã khẳng định hiệu quả của mô hình này, nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp được tư vấn, giải đáp pháp luật thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, lao động, hợp đồng thương mại, giải quyết tranh chấp tại tòa án, thi hành án dân sự, bảo hiểm xã hội, đất đai, môi trường,…

Để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp làm căn cứ xây dựng chương trình, nội dung hỗ trợ phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, tỉnh đã có các hoạt động khảo sát bằng nhiều hình thức, như: Tọa đàm, thông qua hội nghị, thực hiện bằng phiếu. Kết quả khảo sát góp phần quan trọng vào sự thành công, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

2. Đánh giá về hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với cách thức, quy mô tổ chức, phương pháp thực hiện được quan tâm, đầu tư, thay đổi đã dần tác động đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực của địa phương, các hoạt động tọa đàm, tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp đang dần chiếm được lòng tin của doanh nghiệp đối với Chương trình. Những vụ việc doanh nghiệp gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách, Lãnh đạo tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ trên tinh thần của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chính từ những nỗ lực phấn đấu nhiệt tình đó, đến nay, Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã và đang dần trở thành chỗ dựa tin cậy cho doanh nghiệp tỉnh nhà. Theo kết quả khảo sát mới nhất được tiến hành vào đầu năm 2014, có 63% doanh nghiệp biết và quan tâm đến Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, 41.5% doanh nghiệp có bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế, 25% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ pháp lý phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh,… Đặc biệt, trên bình diện lớn hơn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã góp phần vào thành quả chung của tỉnh trong việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lên vị trí thứ 2 trong năm 2013.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn những hạn chế, khó khăn, như: Các hình thức hỗ trợ pháp lý chưa được triển khai toàn diện, chuyên sâu. Một số hình thức chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi (hỗ trợ tài liệu, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật,…). Các lĩnh vực pháp luật hỗ trợ chưa toàn diện, tập trung vào một số lĩnh vực doanh nghiệp thường gặp vướng mắc; các lĩnh vực pháp luật chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp cách thức áp dụng các quy định pháp luật để gỡ vướng những khó khăn trước mắt, nhất thời,… Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, về khách quan, đó là điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực còn thiếu, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ. Về chủ quan, sự quan tâm, phối hợp giữa các cơ quan, các ngành thiếu tính liên tục, thường xuyên; đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu kiến thức, kinh nghiệm; sự quan tâm, nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của pháp luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đúng, chưa đầy đủ,…

3. Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Từ kết quả đạt được bước đầu và xác định những khó khăn, hạn chế cũng như nguồn lực có được, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nghiên cứu, tìm mô hình, hướng đi phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động. Trong đó chú trọng một số định hướng như sau:

- Việc thực hiện bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Hoàn thiện thể chế công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các thể chế liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Tập hợp, nắm bắt thông tin về thực trạng áp dụng pháp luật và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp

- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh mới cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế các doanh nghiệp.

- Tổ chức đối thoại, tư vấn pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Các cơ quan phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại, tư vấn pháp luật chuyên đề cho doanh nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, Luật sư, Luật gia, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước nhằm nâng cao khả năng hiểu biết, thực thi pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực thi, áp dụng pháp luật của doanh nghiệp.

- Thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Nguyễn Thị Đào