Phú Thọ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

02/02/2015
Phú Thọ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Ngày 30/1, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị triển khai lấy ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và triển khai thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh có liên quan; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Ban Tuyên giáo, Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thành, thị; đại diện một số doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Khai - Giám đốc Sở Tư pháp đã quán triệt mục tiêu,  quan điểm xây dựng dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Việc sửa đổi BLDS được tiến hành trong một giai đoạn mới trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Việt Nam, đặc biệt Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận nhiều quyền và cách thức bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung bộ luật nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự (BLDS) thành luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia đồng thời ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự… Dự thảo BLDS (sửa đổi) lần này được đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm 712 điều, được bố cục thành 06 phần, 26 chương. So với BLDS năm 2005, dự thảo BLDS giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. Thời gian lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 05/01/ 2015 và kết thúc vào ngày 31/3/2015.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 (thay thế Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000). Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có những điểm mới quan trọng: Các hành vi bị cấm; quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và đại diện giữa vợ và chồng; chế độ tài sản của vợ chồng; mang thai hộ vì mục đích nhân đạo,… Luật Hôn nhân và Gia đình là văn bản pháp lý quan trọng trong xây dựng hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Việc tổ chức quán triệt, triển khai thi hành và phổ biến những nội dung cơ bản của Luật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được hoàn thành trong quí I/2015.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý trực tiếp vào BLDS (sửa đổi) với các vấn đề trọng tâm: Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; về quyền nhân thân; về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; về hình thức sở hữu; về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; về thời hiệu.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: BLDS có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Theo đó, để đợt lấy ý kiến đối với Dự thảo BLDS (sửa đổi) trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đề cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện lấy ý kiến đối với Dự thảo BLDS (sửa đổi); tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLDS (sửa đổi), đảm bảo thực hiện đúng lộ trình, tiến độ; tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Dự thảo BLDS (sửa đổi) tới mọi tầng lớp nhân dân. Các cơ quan khối tư pháp cần tích cực phát huy vai trò, huy động các thành viên tham gia. Các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kịp thời phổ biến các nội dung của dự thảo để phục vụ việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Ngay sau Hội nghị của tỉnh, các sở, ngành, các địa phương khẩn trương triển khai quán triệt Dự thảo BLDS (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; triển khai sâu rộng tới khu dân cư và nhân dân.

Thúy Vân