Trợ giúp pháp lý lưu động tới hải đảo-cảm nhận về những chuyến đi trên biển

10/01/2015
Trợ giúp pháp lý lưu động tới hải đảo-cảm nhận về những chuyến đi trên biển
Với phương châm mang đến cho đối tượng Trợ giúp pháp lý (TGPL) là bà con vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo những dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí tốt nhất có thể, cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng, hiệu quả cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý nhằm giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, đồng thời giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân.
 

Chính vì ý nghĩa như vậy nên mỗi lần tham gia trợ giúp pháp lý lưu động đều mang tới cho những thành viên trong đoàn trợ giúp pháp lý lưu động tỉnh Quảng Ninh những cảm xúc khó tả dù đây không phải là lần đầu lưu động tới vùng cao Bình Liêu, Tiên Yên, Hoành Bồ hay tới đảo xa Vân Đồn, Cô Tô, Vĩnh Thực, Trà Cổ - nơi địa đầu tổ quốc.

Quảng Ninh là một trong 25 tỉnh, thành phố có biên giới, tuy nhiên lại là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, với đường biên giới trên bộ dài 118,825 km và đường phân định Vịnh Bắc Bộ trên biển dài trên 191 km. Mặc khác, Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành có biển, với đường bờ biển dài 250 km, trong đó có 40.000 hecta bãi triều và trên 20.000 hecta eo vịnh, có 2/12 huyện đảo của cả nước. Tỉnh có 2.077 hòn đảo, và diện tích các đảo chiếm 11,5% diện tích đất tự nhiên. Đây chính là thuận lợi cho việc phát triển ngư nghiệp, thủy hải sản của người dân cũng như chủ trương hướng ra biển của Đảng và nhà nước, nhất là tình hình biển Đông có nhiều biến động như hiện nay.

Để thực hiện một cuộc trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã đảo không phải là chuyện đơn giản. Ví dụ như trợ giúp pháp lý ở huyện đảo Cô Tô với các xã là các đảo nhỏ ở xa đảo chính như xã Thanh Lân thì ngoài việc phải chú ý tới thời tiết mưa bão thì phương tiện để đến đảo cũng là một khó khăn vì cả ngày chỉ có 1 chuyến đi và về. Với những người không quen sông nước thì đến được đảo cũng là một hành trình gian nan cùng không ít cam go, thử thách bởi những đợt sóng cao hàng mét liên tiếp xô tới như nhấn chìm con thuyền gỗ nhỏ bé.

Cách trở là vậy, sinh hoạt trên đảo của người dân cũng gặp không ít khó khăn cả về vật chất và tinh thần, do vậy cũng ảnh hưởng phần nào tới việc cập nhật thông tin, kiến thức pháp luật của người dân…

Để chương trình Trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao nhất, trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý của từng nhóm đối tượng, các lĩnh vực pháp luật, những nơi tổ chức chương trình trợ giúp pháp lý lưu động hiệu quả, đặc điểm địa hình mà các chương trình trợ giúp pháp lý lưu động được trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch. Sau khi kế hoạch được ban hành, Trung tâm sẽ bố trí nhân sự, thời gian, địa điểm sao cho tránh vào những ngày mùa hay ngày đi biển của bà con, đồng thời chuẩn bị nội dung phải thật gần gũi với cuộc sống hàng ngày, dễ hiểu và quan trọng hơn nữa là trợ giúp pháp lý nếu bà con có vụ việc và lồng ghép được vấn đề pháp luật với phát triển kinh tế, gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển, chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên với địa bàn giao thông đi lại còn khó khăn, nhiều xã đảo xa đất liền, người dân sống rải rác, trên sông nước, bám biển nhiều hơn trên đất liền thì nhận thức chung giữa người dân trên đảo và trên đất liền còn rất nhiều khoảng cách nên nhiều khi những thông tin về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước chưa được họ cập nhật kịp thời, dẫn đến chưa biết hết về quyền và nghĩa vụ của chính mình.

 Vì lẽ đó, ngoài việc chuẩn bị kĩ tài liệu, văn bản, tờ gấp liên quan đến các lĩnh vực pháp luật mà người dân quan tâm thì đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cũng là những người dày dạn kinh nghiệm, có thâm niên trong công tác, trình bày các vấn đề một cách dễ hiểu nhất, ngắn gọn nhất mà vẫn chuyển tải được nội dung, chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước tới người dân để người dân hiểu đúng và chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Hay với những cán bộ trẻ như chúng tôi-phần lớn tuổi đời ngoài đôi mươi, không phải lần đầu tham gia trợ giúp pháp lý lưu động, ngoài hành trang mang theo chuyến công tác là kiến thức được học được đào tạo trong trường, trong ngành thì một phần không thể thiếu là nhiệt huyết của tuổi trẻ, tấm lòng đối với người dân nơi mình đến và đặc biệt chúng tôi biết rằng, mỗi chuyến trợ giúp pháp lý lưu động chúng tôi lại mang đến cho người dân những niềm vui nho nhỏ, trợ giúp cho người dân biết được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các lĩnh vực liên quan đến pháp luật hay chỉ đơn giản là giải thích cho một bác cao tuổi, một anh thanh niên thế nào là vùng biển Việt Nam

Hưởng ứng tổ chức đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật về biển đảo năm 2014, Đoàn trợ giúp pháp lý đã lồng ghép, tuyên truyền nội dung cơ bản các văn bản pháp lý về biển Việt Nam; gắn phổ biến nội dung pháp luật về biển với vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam với xây dựng và bảo vệ tổ quốc, những cơ sở pháp lý, những tài liệu chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, tin tưởng và đồng thuận đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo. Lên án các hành vi vi phạm pháp luật, phản bác luận điểm sai trái của các thế lực thù địch liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Một phần quan trọng khác của các đợt trợ giúp pháp lý lưu động là việc tiếp nhận các đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý liên của người dân. Đoàn Trợ giúp pháp lý đã giải thích, tư vấn cặn kẽ các câu hỏi đồng thời cung cấp văn bản, tờ  gấp pháp luật mà người dân quan tâm.

Với nhiều xã đảo người dân phần lớn mưu sinh bằng nghề chài lưới, thời gian dưới thuyền nhiều hơn trên bờ thì việc trang bị kiến thức về pháp luật, về biển đảo, quyền và nghĩa vụ của mình, vùng biển Việt Nam  sẽ giúp cho những ngư dân nơi đây tránh được những rắc rối khi tiến hành đánh bắt ở biển xa đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Chính họ là những thông điệp, là cột mốc sống trên biển của tổ quốc .

Vừa qua, Ngọc Vừng- xã đảo cuối cùng của tỉnh đã đóng điện lưới. Với việc hòa lưới điện, từ nay bà con trên các huyện đảo, xã đảo của tỉnh sẽ được tiếp cận nhiều hơn, dễ dàng hơn với đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế xã hội, pháp luật của đất nước. Hy vọng rằng sang năm mới, đời sống kinh tế xã hội, văn hóa tinh thần của bà con các huyện đảo, xã đảo ngày càng được nâng lên. Cùng với đó là khoảng cách nhận thức, kiến thức pháp luật giữa vùng sâu, vùng xa, hải đảo với đất liền, thành thị ngày càng  rút ngắn và những chuyến đi trợ giúp pháp lý lưu động tới đây ngày càng nhiều hơn.

Bản thân chúng tôi là những cán bộ trẻ tuổi, kinh nghiệm công tác còn nhiều hạn chế, đều cố gắng hoàn thiện bản thân, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng để góp phần đưa pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, làm giảm bớt đơn thư tranh chấp và các khiếu kiện không cần thiết, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn, giúp bà con tiếp cận với các dịch vụ pháp luật miễn phí, giảm được thời gian, công sức đi lại. Qua đó, khẳng định được vị trí, vai trò của Trung tâm và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

                                                  Trần Cường-Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh