Công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2014 trên địa bàn tỉnh Hà Nam

09/01/2015
Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo quyền bào chữa, quyền được bảo vệ của người được trợ giúp pháp lý (TGPL), thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong quá trình tố tụng, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử, giải quyết vụ việc một cách toàn diện, khách quan, đúng pháp luật; đồng thời bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới các cơ quan liên ngành, người tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL trên địa bàn thành phố sẽ phối hợp tích cực và hiệu quả hơn nữa để tăng số lượng các vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, qua đó, khẳng định công tác TGPL trong hoạt động tố tụng là việc làm mang đậm ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
 

Trong năm qua, thành viên Hội đồng phối hợp của tỉnh đã tích cực trong công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng đạt được nhiều kết quả tích cực. Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai việc phối hợp với từng thành viên là các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là thường xuyên chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý) tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trung tâm TGPL là đơn vị đầu mối giúp việc cho Hội đồng đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng rà soát, đến nay đã lắp đặt được 130 bảng tin, hộp tin về TGPL (100% các cơ quan tiến hành tố tụng đều đã được lắp đặt bảng thông tin, hộp tin); phối hợp với các Hội, Đoàn thể truyền thông về công tác TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã quán triệt cán bộ của ngành mình chủ động giải thích cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo quyền được trợ giúp pháp lý nếu họ thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý…

Trung tâm TGPL đã kịp thời cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia bào chữa, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 51 đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý của 51 vụ án. (Trong đó: 46 vụ hình sự; 05 vụ dân sự; cho 45 đối tượng thuộc diện nghèo; 02 đối tượng thuộc diện phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực gia đình; 01 đối tượng là người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; 03 đối tượng là người có công với cách mạng).

Sở Tư pháp đã thành lập Đoàn Kiểm tra và tiến hành đợt kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2014 tại một số đơn vị (Công an huyện Duy Tiên; Công an thành phố Phủ Lý; Viện kiểm sát nhân dân huyện Duy Tiên; Tòa án nhân dân huyện Duy Tiên; TAND thành phố Phủ Lý). Qua quá trình kiểm tra cho thấy các đơn vị được kiểm tra đã chấp hành đúng quy định theo Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC .

Có thế nói trong năm 2014 Trung tâm TGPL tỉnh Hà Nam đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư công tác viên đã có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được TGPL; các thủ tục hành chính được giải quyết thuận lợi. Bên cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế: số lượng vụ việc TGPL được thực hiện chỉ tập trung vào giai đoạn xét xử và ở các vụ án hình sự, các vụ việc chủ yếu là Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia ít; công tác thông tin về đối tượng thuộc diện TGPL của một số cơ quan chưa kịp thời; kinh phí UBND tỉnh dành cho hoạt động TGPL nói chung, hoạt động TGPL trong tố tụng nói riêng còn rất hạn chế so với yêu cầu thực tế.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, ngay từ đầu năm 2015 Trung tâm TGPL đã đề ra kế hoạch hoạt động chung của ngành và cụ thể cho từng lĩnh vực hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách TGPL, nhất là Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC đến người dân ở cơ sở, nâng cao nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan; Đảm bảo 100% đối tượng đều có Trợ giúp viên, Luật sư tham gia nếu có yêu cầu của đối tượng; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện TGPL và người tiến hành tố tụng.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành với tinh thần chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ công tác phối hợp trong trợ giúp pháp lý  của các thành viên  trong Hội đồng đã giúp cho hiệu quả hoạt động cũng như  nhận thức về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng được nâng lên đáng kể. Đồng thời củng cố hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan tiến hành tố tụng; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý  khi tham gia tố tụng; bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội./.

                                                                                                            Cẩm Tú