Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với những chuyển biến tích cực

10/11/2014
Xác định việc nâng cao năng lực về pháp luật thông qua hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần ổn định sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh... của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thời gian qua, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã chú trọng triển khai các hoạt động này cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và đạt được một số kết quả khả quan, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
 

Với mục đích tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Tập hợp và cung cấp kịp thời các thông tin về chính sách pháp luật của Trung ương và địa phương dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân này tiếp cận các chính sách pháp luật, tháng 8/2012, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch xuất bản tờ thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với nội dung tập hợp thông tin, nội dung từ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương ban hành trong tháng. Theo đó, định kỳ hàng tháng, Sở Tư pháp xuất bản Tờ thông tin này và tính đến nay, Sở đã phát hành được 28 số với số lượng hơn 5.600 tờ. Công tác phát hành được chuẩn bị chu đáo, với việc lập danh mục các doanh nghiệp đủ các loại hình (doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…) kinh doanh đủ ngành nghề (xây dựng, dịch vụ, ngân hàng,…) ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, do đó, việc giới thiệu miễn phí các chính sách của Trung ương, của tỉnh đến các doanh nghiệp được thực hiện một cách kịp thời.

Bên cạnh đó, nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp, ngay từ cuối năm 2013 (ngày 12/11/2013), Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3553/QĐ-UBND ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014-2016 và những năm tiếp theo. Thực hiện Quyết định này, vào tháng 3/2014, Sở Tư pháp đã tổ chức cuộc khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp tại các huyện, thành phố, thị xã trong đó chú trọng Khu kinh tế Vũng Áng và Thành phố Hà Tĩnh. Đã có 300 doanh nghiệp tham gia khảo sát với đủ loại hình, thành phần (có vốn đầu tư trong nước, nước ngoài, Hợp tác xã…), với quy mô lớn, vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ… Hầu hết các nội dung trong Phiếu khảo sát đã được các doanh nghiệp phối hợp trả lời kịp thời, đầy đủ. Theo đó, vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm cần được các cơ quan nhà nước hỗ trợ đó là cung cấp các thông tin pháp luật cho doanh nghiệp; tuyên truyền phổ  biến các văn bản QPPL mới ban hành cho doanh nghiệp; tổ chức các chương trình tọa đàm, đối thoại doanh nghiệp, tập huấn nghiệp vụ giải đáp khó khăn vướng mắc pháp luật cho doanh nghiệp. Qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp đã bước đầu có sự quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cũng nhờ đó, Sở Tư pháp đã nắm bắt được thực trạng nhu cầu về hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, qua đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác này.

Hiện nay, Sở Tư pháp cũng đã hoàn thiện việc xây dựng Sổ tay hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với chuyên đề “Tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn trên địa bàn tỉnh”. Tài liệu này được biên soạn dưới hình thức tổng hợp các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của HĐND, UBND tỉnh dành cho các đối tượng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó, chia ra từng nhóm chính sách với các đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh cụ thể…. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 và những năm tiếp theo được ban hành kèm theo Quyết định số 3553/QĐ-UBND ngày 12/11/2013 với mục đích cung cấp cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn một cách đồng bộ và thống nhất.

Trong năm 2013, 2014, được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 – Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tổ chức hoạt động tọa đàm và bồi dưỡng dành cho các đối tượng là cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh,…với các nội dung như: Tọa đàm về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, về các vướng mắc của pháp luật về đầu tư và các chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh; Bồi dưỡng về một số vấn đề chung về công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, kỹ năng cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, …, giới thiệu những điểm mới của Bộ luật Lao động và các chính sách thuế nhà nước tại tỉnh Hà Tĩnh, pháp luật về hợp đồng. Với những nội dung thiết thực, các cuộc tọa đàm và bồi dưỡng đã thu hút được sự tham gia đông đảo của đại biểu là đại diện Lãnh đạo và cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo nhận xét chung của các đại biểu thì các cuộc tọa đàm và bồi dưỡng thực sự bổ ích, tìm ra được những khó khăn, vướng mắc của pháp luật, đưa ra được nhiều giải pháp và có một số giải pháp hay để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đó cũng như phổ biến kịp thời kiến thức pháp luật về hợp đồng cho doanh nghiệp. Nhưng kết quả đạt được quan trọng nhất của các hoạt động này là tạo ra một cơ hội để các doanh nghiệp phát biểu những ý kiến của chính họ qua thực tiễn áp dụng và thực thi các văn bản, chính sách, thông qua đó, đại diện của các cơ quan chức năng tham gia tọa đàm, bồi dưỡng cũng nắm bắt được và hiểu hơn về nguyện vọng của doanh nghiệp để tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp hơn.

Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng chương trình Pháp luật và đời sống với nội dung về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Triển khai kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp, qua đó, cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính…

Nhờ triển khai một cách đồng bộ và toàn diện nên công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có tác động mạnh mẽ tới các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả nổi bật trong công tác này là đã thu hút được sự tham gia của các cơ quan nhà nước trên địa bàn vào một “mặt trận” chung, cùng phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với cùng một mục đích là góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp để đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước trên địa bàn, như: Sở Công thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Thuế..., UBND cấp huyện, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh... đã có nhiều hình thức, nội dung hoạt động nhằm đưa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng đi vào nền nếp, phát huy tốt hiệu quả... Không những thế, việc tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các hội viên doanh nghiệp của mình thông qua thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, tiêu biểu như Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp các huyện... Cũng thông qua các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ,... các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ pháp chế được cập nhật kiến thức về pháp luật kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác pháp chế, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Việc hỗ trợ được thực hiện với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phù hợp với đông đảo cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài. Với sự hỗ trợ từ phía cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp yên tâm hơn về tính pháp lý trong mỗi hoạt động của mình, hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết...Qua đó, mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc tổ chức các hoạt động chưa được nhiều, chủ yếu mới tổ chức được các hoạt động với sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 của Bộ Tư pháp; các hoạt động hỗ trợ pháp lý tuy đã có sự đa dạng về nội dung, hình thức nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp, chưa đi sâu được vào những nhu cầu thiết thực khác của doanh nghiệp; việc trao đổi đa chiều giữa chuyên gia và đại biểu tham dự tọa đàm, bồi dưỡng chưa được nhiều; nhận thức của các chủ doanh nghiệp về các quy định của pháp luật chưa cao, chưa coi trọng việc bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế để  giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật, ý thức áp dụng pháp luật còn hạn chế, chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý, chủ yếu chỉ nhờ đến các dịch vụ này khi đã xảy ra tranh chấp cần giải quyết…

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động này, trong thời gian tới, Sở Tư pháp định hướng tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh để tổ chức các cuộc tọa đàm, tập huấn cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp luật thông qua hình thức: tổ chức các Hội nghị đối thoại, tư vấn; giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử các khó khăn vướng mắc về pháp luật để các doanh nghiệp nắm vững các quy định của pháp luật trong quá trình áp dụng thực hiện… Nhưng trên hết, để công tác này thực sự có hiệu quả thì vẫn rất cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ cả hai phía: Cơ quan chức năng và doanh nghiệp./.

Kim Lân - Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh