Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế triển khai công tác tư pháp năm 2014

16/01/2014
Ngày 15 tháng 01 năm 2014, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2014. Đến dự có đại diện lãnh đạo Ban thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế và các phòng chuyên môn thuộc Sở. Hội nghị do đồng chí Dương Quang Tương – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì.

Qua Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2014, các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao kết quả đạt được của ngành trong năm qua. Trong lĩnh vực văn bản, đã soạn thảo và trình Hội đồng nhân dân, UBND ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp, tham mưu Quyết định sửa đổi, bổ sung 01 Quyết định của của UBND tỉnh. Tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổng hợp báo cáo gửi Thường trực Hội đồng nhân dân, Bộ Tư pháp bảo đảm thời gian. Thực hiện kiểm tra và tự kiểm tra 226 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và UBND các cấp ban hành, phát hiện 102 văn bản có sai sót về hình thức, nội dung được cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý theo quy định. Khảo sát và kết luận kiểm tra thi hành pháp luật trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy; tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thu học phí và các khoản đóng góp khác tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 20 quyết định công bố, bổ sung thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và thực hiện rà soát bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện rà soát thủ tục hành chính của 05 nhóm lĩnh vực, kết quả đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 20 thủ tục hành chính, tỷ lệ đơn giản hóa đạt 28,91%, chi phí tuân thủ tục thủ tục hành chính tiết kiệm được hơn 12,8 tỷ đồng. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai với nhiều hình hình thức đa dạng, trong đó hình thức hội nghị tổ chức được 2.637 đợt với 149.066 lượt người, đặc biệt đã có những hoạt động thiết thực trong “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” 09/11 được tổ chức lần đầu tiên theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với việc tổ chức đối thoại, tư vấn, giải đáp pháp luật được doanh nghiệp hoan nghênh, ủng hộ. Công tác trợ giúp pháp lý đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn 703 vụ việc; bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 164 đối tượng thuộc diện được trợ giúp tại Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh. Các mảng công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các nhiệm vụ khác tiếp tục được chú trọng tăng cường.

Hội nghị đã ghi nhận 09 ý kiến của các đại biểu phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiệnkiến nghị giải pháp để triển khai nhiệm vụ trong năm 2014 tốt hơn. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật; phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; kiểm soát thủ tục hành chính,... Ông Nguyễn Thế Toại – Trưởng phòng Tư pháp thành phố Huế cho biết, hiện nay, vẫn còn tình trạng nhận thức của một số lãnh đạo các ngành cho rằng, phổ biến, giáo dục pháp luật là của riêng cơ quan tư pháp nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện. Vì vậy, kiến nghị Sở Tư pháp có biện pháp tăng cường năng cao nhận thức về vấn đề này để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Phong Điền và huyện Phú Lộc kiến nghị về công tác văn bản, đề nghị gia hạn thời gian thực hiện kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ở cấp huyện để đảm bảo tiến độ công việc; hoặc tăng cường tập huấn nghiệp vụ về văn bản quy phạm pháp luật (cụ thể là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và UBND), hạn chế tình trạng các phòng, ban chuyên môn cấp huyện không nhận diện được văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính, dẫn đến sai sót khi tham mưu soạn thảo, ban hành. Việc áp dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch thiếu thống nhất do hạn chế về cơ sở vật chất ở một số đơn vị cấp xã (huyện A Lưới có 11/21 xã chưa có máy vi tính riêng) và mạng internet chưa bảo đảm chất lượng. Nguồn nhân lực hạn chế trong khi công tác tư pháp được bổ sung ngày càng nhiều nên mặc dù đã có những nỗ lực cố gắng nhưng kết quả công việc vẫn chưa thật sự như mong muốn,… Những vấn đề trên được lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Sở giải đáp, hướng dẫn ngay tại Hội nghị một cách rõ ràng, thỏa đáng.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Dương Quang Tương – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Sở Tư pháp ghi nhận những khó khăn của cơ quan tư pháp địa phương. Đồng chí nêu rõ giải pháp để giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn; đối với những khó khăn khách quan khác, trong bối cảnh khó khăn chung của tỉnh và của cả nước, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành phải đồng lòng, khắc phục để vượt qua. Về nhiệm vụ năm 2014, trên cơ sở phương hướng và các giải pháp cụ thể đã được đề ra, đồng chí yêu cầu việc triển khai thực hiện phải gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình công tác tư pháp trọng tâm năm 2014.

Đồng chí yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở và Phòng Tư pháp cấp huyện, ngay sau hội nghị, khẩn trương tham mưu trình UBND cùng cấp ban hành kế hoạch để triển khai. Đồng thời tiếp tục quán triệt và triển khai đến từng cán bộ, công chức, viên chức qua hội nghị công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị nhằm tổ chức đạt hiệu quả tốt nhất nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2014.

          Nguyễn Thị Đào