Tuyên Quang: Những kết quả nổi bật trong công tác trợ giúp pháp lý năm 2013

08/01/2014
Có thể nói, năm 2013 là năm bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt của đời sống xã hội, song do được sự quan tâm của Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) và chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Sở Tư pháp,  sự ủng hộ của chính quyền địa phương, tập thể, cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm TGPL tỉnh Tuyên Quang đã chủ động nắm bắt tình hình, bám sát chương trình công tác nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua những khó khăn, thử thách hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật, làm giảm bớt đơn thư khiếu kiện vượt cấp, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Năm 2013, thành tích nổi bật nhất của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tuyên Quang là hoạt động TGPL lưu động và hoạt động tham gia tố tụng. Công tác TGPL lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những hình thức TGPL được Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh chú trọng thực hiện trong những năm qua và mang lại hiệu quả cao. Mục đích của TGPL lưu động là nhằm đưa công tác TGPL hướng về cơ sở, tạo thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với hoạt động TGPL, khắc phục những khó khăn về giao thông và điều kiện đi lại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào trong việc tiếp cận với pháp luật, để nhanh chóng giúp đỡ bà con, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc pháp luật mỗi khi có nhu cầu, kịp thời giải tỏa những bức xúc ngay tại cơ sở. Trong năm 2013, Trung tâm TGPL nhà nước đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện được 33 đợt TGPL lưu động đến 65 địa điểm cụm dân cư thôn, bản của 32 xã thuộc các huyện trong tỉnh. Kết quả đã thực hiện TGPL được 400 vụ việc cho 400 trường hợp; TGPL gắn với tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho 4.907 lượt người và phát 33.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng có hiệu lực thi hành từ ngày 21/8/2013 và thay thế Thông tư Liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng. Trung tâm TGPL nhà nước đã tham mưu cho Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định Kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh; tham mưu giúp Hội đồng ban hành Quyết định kiện toàn Tổ giúp việc cho Hội đồng và xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh. Năm 2013, Trung tâm TGPL nhà nước đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cử Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - cộng tác viên tham gia tố tụng được 97 vụ việc (Dân sự 12, Hình sự: 83, Hôn nhân gia đình 02) cho 121 đối tượng thuộc diện người được TGPL (người nghèo: 53, người có công với cách mạng: 01, người dân tộc thiểu số: 66, trẻ em không nơi nương tựa: 01). Số vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 80/97 vụ việc chiếm 82,5%, số vụ việc do Luật sư - cộng tác viên thực hiện 17/97 vụ việc chiếm 17,5%. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ việc tham gia tố tụng tăng 12 vụ.

Qua kết quả cụ thể trên cho thấy, công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng tại địa phương đã được cơ quan tiến hành tố tụng và Trung tâm TGPL nhà nước phối hợp đồng bộ và kịp thời. Trong quá trình tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - cộng tác viên, bằng việc tư vấn, hướng dẫn, giải thích pháp luật đã giúp cho bị can, bị cáo hiểu được chính sách xử lý công bằng của pháp luật, nhận thức được lỗi lầm của mình góp phần giải quyết vụ án nhanh, đúng pháp luật.

Hoạt động TGPL lưu động và hoạt động tham gia tố tụng đã thực hiện có hiệu quả góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giảm bớt khiếu kiện vượt cấp, đồng thời đưa các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Người được TGPL được Nhà nước bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp trước cơ quan tiến hành tố tụng và trước pháp luật, đây là ý nghĩa sâu sắc của hoạt động TGPL, thể hiện bản chất của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong mọi điều kiện, bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Vũ Thanh Thủy