Sở Tư pháp Hà Tĩnh với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

16/10/2013
Những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô. Với gần 4000 doanh nghiệp hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản, nhiệt điện, luyện thép… đã mang lại những lợi ích rất lớn về phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhà.

Từ thực trạng đó, Sở Tư pháp luôn xác định công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Vì vậy, thời gian qua Sở đã có nhiều hoạt động thiết thực mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong công tác này, cụ thể:

Sở Tư pháp xuất bản Tờ Thông tin hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp Hà Tĩnh. Tờ Thông tin này được xây dựng dưới hình thức tờ gấp, xuất bản hàng tháng với nội dung chủ yếu là giới thiệu các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh và tin hoạt động liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở đã xuất bản 8 tờ thông tin và chuyển đến hàng trăm doanh nghiệp kịp thời, được các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan quan tâm, đánh giá cao.

Công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp cũng đã được Sở Tư pháp chủ động triển khai, đặc biệt trong tháng 9 năm 2013, Sở đã tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đã có hơn 140 người tham gia lớp bồi dưỡng, chủ yếu là cán bộ pháp chế tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số đơn vị có khác có liên quan. Tại lớp tập huấn các học viên đã được nghe giảng viên truyền đạt nhiều kiến thức bổ ích về một số vấn đề chung về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc xây dựng tài liệu, giới thiệu, phổ biến các văn bản QPPL; Giới thiệu những điểm mới của Bộ luật Lao động và các chính sách thuế nhà nước tại tỉnh Hà Tĩnh và các quy định của pháp luật về hợp đồng, đầu tư có yếu tố nước ngoài. Qua đó nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho nghiệp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cập nhật các thông tin liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp đã xây dựng trang thông tin điện tử của Sở trong đó có chuyên trang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gồm các bài viết nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ về công tác này, giới thiệu các chính sách pháp luật mới của trung ương, của tỉnh dành cho doanh nghiệp. Cập nhật đưa lên trang web và chuẩn hóa hiệu lực hệ thống văn bản QPPL UBND cấp tỉnh từ năm 1991 đến nay, văn bản QPPL do cấp huyện ban hành đảm bảo tra cứu, tìm kiếm văn bản được nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu, tìm hiểu về các chủ trương chính sách của tỉnh.

Ngoài ra, công tác giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp cũng được Sở Tư pháp quan tâm triển khai thực hiện. Nhờ đó một số thắc mắc của doanh nghiệp về các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh đã được giải đáp kịp thời, đầy đủ.

Cũng trong năm 2013, Sở Tư pháp đã tổ chức chương trình Tọa đàm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các đại biểu thảo luận trao đổi kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thi hành áp dụng văn bản này, các văn bản QPPL liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp cũng như trong quá trình triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Việc tiếp cận hoạt động hỗ trợ pháp lý từ cơ quan nhà nước của các doanh nghiệp... Từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua cũng gặp một số khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục, cụ thể: Biên chế làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn thiếu. Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được giao cho bộ phận pháp chế.  Tuy nhiên, đội ngũ này còn mỏng, chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chỉ có một số sở,  ngành bố trí cán bộ chuyên trách nên chưa có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị trong việc triển khai các hoạt động; Số lượng các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ pháp lý như luật sư, tư vấn pháp luật… trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn ít, chất lượng dịch vụ chưa cao do đó việc tư vấn, giải quyết những vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp chưa phát huy được hiệu quả; Chưa bố trí nguồn kinh phí riêng cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Ngoài ra, ở tỉnh Hà Tĩnh, các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhận thức của các chủ doanh nghiệp về các quy định của pháp luật chưa cao, trong khi đó đây cũng là một lĩnh vực còn mới, nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được các lợi ích khi tham gia hoạt động này nên việc vận động gia nhập các tổ chức hỗ trợ pháp lý gặp khó khăn.

Trần Thị Hải Giang – Sở Tư pháp