Khánh Hòa: Góp ý Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi, bổ sung và Luật Việc làm

15/10/2013
Khánh Hòa: Góp ý Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi, bổ sung và Luật Việc làm
Ngày 14/10/2013, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng và Luật Việc làm. Dự hội nghị có ông Lê Xuân Thân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể. Bà Lê Minh Hiền, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.

Luật Thi đua khen thưởng đã được kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004; được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI vào năm 2005. Qua 8 năm triển khai, Luật Thi đua khen thưởng đã bộc lộ một số nội dung bất cập cần phải được nghiên cứu bổ sung và sửa đổi.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng được đưa ra lấy ý kiến góp ý lần này dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 47 điều: các quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn đối với các hình thức khen thưởng cho các đối tượng; nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng; phân cấp và mở rộng thẩm quyền khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng; quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến là người lao động.

Góp ý cho dự thảo Luật, đa số các đại biểu tán thành nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, một số điều quy định trong Dự thảo Luật chưa thể hiện được mối quan hệ giữa khen thưởng và thi đua, vì vậy cần thống nhất các hình thức khen thưởng; đồng thời cần quy định tiêu chuẩn rõ ràng để xét tặng các đối tượng được khen thưởng. Các đại biểu cũng có ý kiến nên lấy tên là Luật Thi đua khen thưởng năm 2013; cần nghiên cứu lại việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân”; bổ sung từ “nghiêm minh” ở điểm a, khoản 2, Điều 6; bổ sung vào nguyên tắc khen thưởng được quy định ở Điều 6 nội dung “Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng khi thi đua và công bằng trong khen thưởng”…

 

Đối với dự thảo Luật Việc làm, dự thảo Luật gồm 7 chương, 63 điều. Luật Việc làm quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm. Một số đại biểu cho rằng Luật này vẫn còn nhiều thiếu sót và nội dung các điều khoản bị trùng lặp, chưa thống nhất, khi triển khai vào thực tế sẽ gây ra sự chồng chéo. Do đó có đại biểu đã đề xuất 2 phương án: không tiếp thu Luật Việc làm, thay vào đó, Trung ương cần ban hành Nghị định để triển khai những điều, khoản quy định trong Bộ luật Lao động hiện có; chuyển toàn bộ nội dung của dự thảo Luật vào Chương 2 và một số chương khác của Bộ luật Lao động.

Kết luân Hội nghị, bà Lê Minh Hiền - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội sắp tới.

Q.M