Thái Bình: Sau 8 năm triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp

08/10/2013
 Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về "Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020", Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về "Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới". Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, từ năm 2005 đến nay, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành 11 Chỉ thị, 02 Quyết định, 02 Đề án, 01 Chương trình hành động và 01 Kế hoạch; các ngành Công an, kiểm sát, tòa án và thi hành án dân sự đã xây dựng 04 quy chế và 01 chương trình phối hợp nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Nhìn chung, việc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng như Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra của Bộ Chính trị được triển khai nghiêm túc, đồng bộ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân; đã đạt được nhiều kết quả quan trọng bước đầu và tạo ra những tiền đề cho việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong những năm tiếp theo.

Các cơ quan tư pháp đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng, đặc biệt là tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật và văn bản pháp quy như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Đất đai sửa đổi... Tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn cho phù hợp với tình hình mới, trong đó, ngành Công an tiến hành sắp xếp lại cơ quan điều tra theo mô hình mới, gắn nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình với điều tra tội phạm, gồm có: Cơ quan an ninh điều tra, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, đồng thời bổ sung thêm Đội cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng; thành lập Phòng Cảnh sát bảo vệ hỗ trợ tư pháp, Phòng Cảnh sát môi trường; Đội điều tra tổng hợp, ở công an các huyện, thành phố; thành lập phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp và các Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp công an các huyện, thành phố. Ngành Kiểm sát thành lập 02 phòng mới; cơ quan thi hành án dân sự tách khỏi Sở Tư pháp và hoạt động độc lập tương đương với một sở, ở tỉnh, thành lập Cục Thi hành án dân sự, với 4 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; ở huyện, thành phố có các Chi cục Thi hành án dân sự… Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, về cơ bản tăng so với trước khi có Nghị quyết (trừ thẩm phán), đến nay, ngành Công an có 137 điều tra viên; ngành Kiểm sát có 43 Kiểm sát viên trung cấp, 69 Kiểm sát viên sơ cấp; ngành Tòa án có 63 thẩm phán; cơ quan thi hành án dân sự có 07 chấp hành viên trung cấp, 42 chấp hành viên sơ cấp, 01 thẩm tra viên chính, 08 thẩm tra viên. Và hiện nay, toàn tỉnh hiện có 32 giám định viên tư pháp (pháp y; pháp y tâm thần; kỹ thuật hình sự; tài chính, kế toán; thông tin, truyền thông; xây dựng); Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình có đến 71 luật sư chính thức tham gia hoạt động và 22 luật sư tập sự ở 11 Văn phòng Luật sư, 01 Công ty Luật… Hàng năm, cán bộ, công chức tư pháp thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị.

Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở, vật chất cho hoạt động tư pháp, trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ trên 140 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản và chi hơn 60 tỷ đồng cho các hoạt động thường xuyên của ngành Tư pháp; các cơ quan tư pháp tiếp tục được đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc, nhà tạm giam, tạm giữ, kho tang chứng, vật chứng; bố trí, trang bị một số phương tiện, máy móc kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác chuyên môn.

Trong 8 năm qua, các ngành Công an, Kiểm sát đã điều tra, đưa ra truy tố 5.491 vụ với 8.737 bị can; tiếp nhận và thực hiện quyết định thi hành án phạt tù đối với 4.673 bị can; giải quyết sơ, phúc thẩm, giám đốc thẩm 20.522 vụ việc các loại. Công tác thi hành án dân sự tiếp tục có chuyển biến rõ rệt, trong đó năm 2012 đã thi hành 3.572/3.954 việc có điều kiện thi hành mới phát sinh trong năm với số tiền 102.782.912.000 đồng/tổng số tiền 106.725.575.000 đồng có điều kiện giải quyết.

Song song với việc củng cố, kiện toàn cơ quan tư pháp, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, đặc biệt với việc tái thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy (từ tháng 4/2013), người đứng đầu cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện đa số được cơ cấu trong cấp uỷ tỉnh, huyện. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp Trung ương trong việc quản lý, đánh giá, thực hiện các bước quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các ngành Tư pháp….

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của tỉnh xác định cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về cải cách tư pháp, gắn cải cách tư pháp với cải cách thủ tục hành chính; xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn và trách nhiệm cao; thực hiện tốt việc tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm và bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên… nâng cao chất lượng công tác, đạo đức nghề nghiệp các luật sư, đáp ứng yêu cầu bào chữa, tranh tụng. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong hệ thống chính trị và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp….

Ngọc Hiển