Kết quả 03 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

27/09/2013
Xác định được vai trò, tầm quan trọng của Luật Lý lịch tư pháp trong công tác quản lý nhân sự của các cơ quan, tổ chức… nên ngay sau khi Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản như: Công văn số 6126/UBND-NC ngày 26/11/2010, Chỉ thị số 11/2011/CT-UBND ngày 10/8/2011… để chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt nội dung của Luật đến cán bộ chủ chốt của tỉnh, cấp huyện và đội ngũ báo cáo viên pháp luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để đảm bảo triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2062/QĐ-UBND ngày 12/8/2011 ban hành Đề án triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp. Theo đó, đã thành lập Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp với 05 biên chế có trình độ chuyên môn về pháp luật, thông thạo tin học văn phòng, được đào tạo về nghiệp vụ lý lịch tư pháp; đồng thời, đã trang bị các cơ sở vật chất cần thiết phục vụ công tác như: phòng làm việc, máy tính cá nhân, máy in, máy photocopy… kết nối đường truyền tốc độ cao để triển khai phần mềm quản lý lý lịch của Bộ Tư pháp, xây dựng kho lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy riêng để đảm bảo nguyên tắc quản lý, khai thác có sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Ngay sau khi Luật có hiệu lực, để việc quản lý lý lịch tư pháp được hiệu quả, Sở Tư pháp đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, đến nay việc quản lý lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh được thực hiện thống nhất theo phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.

Sau 03 năm thực hiện Luật, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tiếp nhận 19.040 thông tin lý lịch tư pháp, đã lập và cung cấp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia 4.305 bản lý lịch tư pháp, cung cấp 1.780 thông tin lý lịch tư pháp cho các Sở Tư pháp khác để xử lý theo thẩm quyền. Để kịp thời giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, cá nhân, Sở Tư pháp đã tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng công nghệ thông tin; đồng thời đăng tải toàn bộ các thủ tục hành chính về cấp Phiếu lý lịch tư pháp và mẫu tờ khai trên trang tin điện tử của Sở cũng như in và cấp phát miễn phí tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm, phối hợp kịp thời của Công an tỉnh nên việc tra cứu xác minh thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp đều nhanh chóng, kịp thời, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu của công dân, tổ chức. Đến nay, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho 3781 trường hợp, hầu hết đều được giải quyết trước và đúng hạn.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một nhiệm vụ mới và phức tạp… do đó, trong quá trình thực hiện đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định, như: sự không thống nhất giữa Luật với văn bản hướng dẫn, một số nội dung của Luật dù đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa cụ thể, khi áp dụng còn nhiều lúng túng, đội ngũ cán bộ làm công tác này chưa tương xứng với nhiệm vụ đặt ra…

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Luật đề ra, các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp, thống nhất; đồng thời thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác này, cũng như cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để đáp ứng việc trao đổi cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định.

Có thể khẳng định rằng, sau 03 năm triển khai thực hiện các quy định của Luật, hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; đáp ứng tốt các yêu cầu của công dân, tổ chức.