Sóc Trăng: Sơ kết 03 năm thi hành Luật Lý lịch Tư pháp

20/09/2013
Sóc Trăng: Sơ kết 03 năm thi hành Luật Lý lịch Tư pháp
Ngày 20/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị Sơ kết 03 năm thi hành Luật Lý lịch Tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp". Đồng chí Nguyễn Hoàng Hân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp dự và chủ trì hội nghị.

Báo cáo 03 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) trên địa bàn tỉnh kể từ khi Luật LLTP có hiệu lực thi hành (01/7/2010) bước đầu đi vào nề nếp và dần ổn định: số lượng thông tin LLTP được cập nhật ngày càng đầy đủ, chính xác và kịp thời; các đơn vị đầu mối thực hiện việc cung cấp thông tin LLTP nhìn chung luôn nỗ lực, cố gắng phối hợp thường xuyên để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật LLTP. Tính từ năm 2010 đến ngày 01/7/2013, Sở Tư pháp đã cấp (Phiếu lý lịch Tư pháp số 1 được 5.464 trường hợp; số 2 cho 624 trường hợp) cho các cá nhân có yêu cầu để thực hiện các việc như: xin cấp chứng chỉ hành nghề y, lao động, xuất cảnh, du lịch…; cập nhật và cung cấp thông tin về án tích đến Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia được 1.071 trường hợp. Công tác lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy theo quy định của pháp luật về lưu trữ và Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Đồng thời đã đưa vào sử dụng phần mềm lý lịch tư pháp kể từ khi Luật LLTP có hiệu lực để lưu trữ hồ sơ án tích bằng điện tử. Đầu năm 2012, Sở Tư pháp đã sử dụng phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp và đã phối hợp cùng với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp chuyển đổi dữ liệu từ phần mềm của Sở sang phần mềm dùng chung.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 04/9/2013 về triển khai Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để hoàn thành Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp đề ra. Đồng thời xác định chức năng, nhiệm vụ của các ngành, cơ quan có liên quan.

Sự ra đời của Luật LLTP đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác LLTP, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, góp phần vào công cuộc hội nhập quốc tế.

Đăng Khoa