Thừa Thiên Huế: Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

28/08/2013
Ngày 27 tháng 8 năm 2013, tại Thừa Thiên Huế, Ban Quản lý Chương trình 585 phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho 100 cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc các Sở, ban, ngành và doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh.

Lớp bồi dưỡng gồm hai phần, phần thứ nhất giới thiệu, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và phần thứ hai là bồi dưỡng kiến thức pháp luật.

Ngoài việc giới thiệu chung về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, lớp bồi dưỡng còn đi sâu tập huấn về cơ chế phối hợp giữa các ngành; quy trình, kỹ năng thực hiện các hình thức hỗ trợ, như: Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật,...

Nội dung bồi dưỡng kiến thức pháp luật gồm giới thiệu, trao đổi về pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động; pháp luật về đất đai. Bên cạnh việc giới thiệu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, một số nội dung cơ bản trong hai lĩnh vực này, lớp học đã cùng trao đổi về những tình huống pháp lý trong tranh chấp lao động và vướng mắc mà người lao động, người sử dụng lao động thường gặp, việc phát huy vai trò của công đoàn trong giải quyết tranh chấp lao động; trong lĩnh vực đất đai, nội dung dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và những tác động tới doanh nghiệp là vấn đề được học viên quan tâm để có hướng hỗ trợ đúng, kịp thời cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên trách, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thời gian qua được triển khai và đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thực hiện ở địa phương vẫn còn lúng túng do phần lớn cán bộ pháp chế các Sở, ngành mới được bổ sung biên chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; việc triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ở các tỉnh, thành chưa đồng bộ, thống nhất; nhiều doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ pháp chế nên việc triển khai còn “bỏ ngõ”,…

Từ thực tế đó, để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, với nội dung bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật trong một số lĩnh vực “nóng”, lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ thực hiện công tác này theo hướng chuyên nghiệp về nghiệp vụ, vững vàng về chuyên môn pháp lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Thị Đào – Sở Tư pháp TT. Huế