Thái Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh

18/07/2013
Ngày 12/7/2013, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1481/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo Quyết định này, Kế hoạch được chia làm 03 giai đoạn và ở mỗi giai đoạn tập trung vào một số nội dung, yêu cầu cần đạt được chủ yếu sau:

- Giai đoạn 2013-2015:

+ Về hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý: Phấn đấu 80% trụ sở tiếp dân, cơ quan chuyên môn của  UBND cấp huyện và 100% trụ sở tiếp dân của các cơ quan tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ; cơ quan thanh tra quân đội các cấp và đồn biên phòng được xây dựng và lắp đặt bảng thông tin, tờ thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý; Xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình và các chuyên trang, chuyên mục, thông tin về trợ giúp pháp lý trên các phương tiện truyền thông của tỉnh; Biên soạn, phát hành tờ gấp pháp luật và các ấn phẩm truyền thông khác về trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người dân nói chung và của một số đối tượng đặc thù nói riêng;

+ Kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung vào việc kiện toàn tổ chức bộ máy Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh; bổ sung và nâng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý từ 08 đến 12 người; Rà soát, đánh giá thực trạng tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, phấn đấu 90% tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý;

+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí và tăng cường hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó ưu tiên các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã xây dựng nông thôn mới, xã xa trung tâm, xã trọng điểm về phòng chống HIV/AIDS, xã có dự án thu hồi đất; bảo đảm các xã tại khu vực này được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt trong thời gian từ 01 đến 02 năm.

+ Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

- Giai đoạn 2016–2020:

+ Về hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý: Có 100% cơ quan thanh tra, cơ quan hành chính cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã; cơ quan tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ có bảng thông tin, tờ thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý; từ 70% đến 80% người dân biết về quyền được trợ giúp pháp lý, biết về các thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý;

+ Về chức bộ máy cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tiếp tục kiện toàn và nâng tổng số trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm từ 12 đến 18 người, 120 cộng tác viên TGPL và bảo đảm 100% người thực hiện trợ giúp pháp lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý hành chính nhà nước, trình độ chính trị, tin học;

+ Về nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý: bảo đảm trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/01 xã/01năm, đáp ứng 100% nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngay tại cơ sở; 100% các vụ án có đương sự, bị can, bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu trợ giúp pháp lý có Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… Đồng thời tiếp tục tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, cán bộ; bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý đáp ứng đầy đủ nhu cầu, có chất lượng của người dân phù hợp với vụ việc trợ giúp pháp lý ở mọi lĩnh vực pháp luật.

- Giai đoạn 2021-2030: Hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp; đổi mới, nâng cấp hệ cơ sở dữ liệu, hướng đến việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý trực tiếp cho người dân theo hình thức trực tuyến, qua mạng internet…; 100% người thực hiện trợ giúp pháp lý đáp ứng về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để người được trợ giúp pháp lý được bảo đảm về quyền lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý cho mình; quyền đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tương xứng với tiêu chuẩn dịch vụ pháp lý của luật sư trong khu vực; phát triển mạng lưới trợ giúp pháp lý của nhà nước và trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật; thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý giữa nông thôn và thành thị. Người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý dễ dàng, đặc biệt thông qua việc sử dụng mạng Internet và trực tuyến.

Cũng theo Quyết định này, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này./.

Ngọc Hiển