Bình Thuận: Tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh

05/07/2013
Sau 08 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 05-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp và đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Công tác tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ tư pháp được kiện toàn đáng kể. Toàn tỉnh có 55 Chấp hành viên (11 cấp tỉnh, 44 cấp huyện và tăng 28 Chấp hành viên so với năm 2005) đều có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, trong đó có 125 Chấp hành viên có lý luận chính trị từ cao cấp trở lên; có 29 Luật sư (tăng 10), 9 Công chứng viên (tăng 6) và 89 Giám định viên (tăng 61) so với năm 2005.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cơ quan tư pháp được quan tâm đúng mức. Đã cử 02 công chức ngành Tư pháp tham gia đào tạo sau đại học; 45 công chức Tư pháp – Hộ tịch tham gia đào tạo đại học; 35 công chức Tư pháp – Hộ tịch tham gia đào tạo Trung cấp pháp lý. Bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình Chuyên viên cao cấp (08 người), Chuyên viên chính (18 người), Chuyên viên (21 người), 04 người tham gia lớp nghiệp vụ thanh tra nâng cao…

Kịp thời tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật mới, những chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước một cách sâu rộng, kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần kịp thời giải đáp những vướng mắc cũng như nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đã thực hiện 100 Chương trình với hình thức phỏng vấn, trao đổi, tọa đạm, phóng sự; xây dựng 96 Tiểu phẩm pháp luật về lĩnh vực hôn nhân gia đình, dân sự, hình sự, đất đai, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm… phát sóng trong Chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống”; giới thiệu 600 văn bản QPPL với thời lượng 1440 phút trong Chuyên mục “Giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật”; phát hành 32.000 quyển Bản tin Tư pháp Bình Thuận và nhiều Tờ gấp, Tờ rơi, sổ tay, tập tài liệu tuyên truyền PBGDPL về lĩnh vực quốc tịch; hộ tịch; khiếu nại, tố cáo; bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, mua bán người, bạo lực gia đình, tham nhũng. Triển khai, thực hiện có hiệu quả mô hình “Ngày Pháp luật” và các Đề án: “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước”; “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015”; “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”. Trợ giúp pháp lý miễn phí cho hơn 30.484 vụ việc với 30.523 đối tượng.

Về bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho hoạt động tư pháp: Trụ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh và 02 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện được đầu tư xây dựng mới. Cục Thi hành án dân sự tỉnh và 01 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện đã có Kho vật chứng. Huyện Tuy Phong, Tánh Linh có Kế hoạch hỗ trợ để xây Kho vật chứng tạm, riêng thị xã Lagi đã đồng ý đầu tư theo thiết kế để xây dựng Kho vật chứng trên 1,2 tỷ đồng.

Công tác quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của nhân dân; Quản lý nhà nước về giám định tư pháp hoạt động khá ổn định, góp phần tích cực vào phục vụ tốt cho công tác điều tra, xét xử. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo… được quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả tốt. Các cơ quan thi hành án (THA) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tổ chức THA, tích cực bám địa bàn, động viên, thuyết phục người phải THA để họ tự nguyện thi hành nên đã giải quyết được một lượng án tồn đọng đáng kể; các Chấp hành viên còn quyết liệt hơn trong việc cưỡng chế kê biên đối với những vụ việc có giá trị lớn từ đó làm tăng tỷ lệ giải quyết về tiền đáng kể. Các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 21 tổ chức hành nghề luật sư (19 Văn phòng luật sư, 01 Công ty luật và 01 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân) và 07 Chi nhánh (06 Chi nhánh Văn phòng luật sư và 01 Chi nhánh Công ty luật); 02 tổ chức giám định pháp y (Trung tâm Giám định pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh) và 07 cơ quan chuyên môn có hoạt động giám định tư pháp với tổng số 89 giám định viên và 01 Người giám định tư pháp theo vụ việc.

Để thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp, đối chiếu với tiêu chuẩn quy định để củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp đặc biệt là đội ngũ Công chứng viên, Chấp hành viên, Giám định viên, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý…. Chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn lẫn lý luận chính trị, thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ; đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở vững mạnh; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, phấn đấu hàng năm hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra đầu năm; Đẩy mạnh công tác PBGDPL, mở rộng mô hình trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Tiếp tục củng cố, xây dựng các Tổ hòa giải ở thôn, xóm, bản làng, khu dân cư, phấn đấu tăng số vụ việc hòa giải thành đạt từ 80% trở lên và tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, cải tiến lề lối làm việc. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực có quan hệ với tổ chức và công dân.

Thanh Tường