Bình Định: Tư pháp huyện, xã còn thiếu nhân lực, cơ sở, phương tiện làm việc

21/06/2013
Vừa qua, Đoàn công tác của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đã làm việc với UBND các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn để nắm bắt tình hình triển khai và kết quả thực hiện công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2013; kết quả xin ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhìn chung, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2013 đã được các địa phương triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, nhất là công tác hộ tịch, chứng thực, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát văn bản. Việc xin ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác cấp phát tài liệu và tổng hợp ý kiến nhân dân tham gia vào Dự thảo. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện việc xin ý kiến, ở các địa phương trên không xảy ra tình trạng lợi dụng việc xin ý kiến nhân dân để thực hiện hành vi xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước cũng như khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Hầu hết ý kiến nhân dân tán thành và đồng thuận với nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tuy nhiên, theo phản ảnh, công tác tư pháp ở hầu hết các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nhân lực, cơ sở, phương tiện làm việc để đáp ứng kịp thời yêu cầu của ngành đặt ra. Đơn cử tại huyện Tây Sơn, nhu cầu chứng thực trong dân khá lớn nhưng vì trang thiết bị còn thiếu nên thay vì giải quyết các giấy tờ hộ tịch trong một buổi thì phải kéo dài đến một ngày hoặc sang ngày hôm sau. Tại huyện Hoài Nhơn, Phòng Tư pháp huyện phải mượn trụ sở của Chi cục Thi hành án dân sự huyện để làm việc, nên việc bố trí tủ sách pháp luật cho người dân tham khảo cũng khó thực hiện được vì không có địa điểm.

Sau khi làm việc, ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đã đề nghị lãnh đạo UBND các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn tạo điều kiện thuận lợi để tư pháp cấp huyện, xã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đặt biệt, hiện nay ngành Tư pháp còn phải đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ mới như: Kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính, nên cần phải có đủ người làm việc và các điều kiện cần thiết như phòng làm việc, máy vi tính, mạng internet… Việc đáp ứng các nhu cầu trên nhằm giúp cơ quan tư pháp các địa phương hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đặt ra, góp phần giải quyết nhanh, gọn, đúng pháp luật công việc được giao, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Mỹ Cẩm