Thừa Thiên Huế: Những kết quả nổi bật công tác tư pháp năm 2012

29/11/2012
Căn cứ Chương trình công tác trọng tâm tại các Quyết định số 172/QĐ-BTP ngày 20/01/2012 của Bộ Tư pháp, Quyết định số 253/QĐ-UBND ngày 21/02/2012 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 116/KH-STP ngày 28/02/2012 của Sở Tư pháp về triển khai thực hiện công tác tư pháp năm 2012, công tác tư pháp năm 2012 của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực, bám sát chương trình công tác tư pháp trọng tâm của Bộ Tư pháp của UBND tỉnh và cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; công tác theo dõi thi hành pháp luật được triển khai, thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại các huyện, thị xã, thành phố Huế. Sở Tư pháp đã soạn thảo tham mưu trình được HĐND, UBND tỉnh thông qua ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật (05 dự thảo Nghị quyết của HĐND do UBND tỉnh trình, 07 Quyết định, 03 Chỉ thị của UBND tỉnh) liên quan đến hoạt động của ngành Tư pháp, đạt tỷ lệ 100% so với chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Quyết định số 2813/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn, thành lập và tăng cường chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh; hiện nay, UBND tỉnh đã bố trí 14 biên chế quản lý nhà nước làm công tác pháp chế tại 14 Sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện thẩm định 67/67 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được tiếp nhận (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có 24 Nghị quyết của HĐND do UBND tỉnh trình và 39 Quyết định, 04 Chỉ thị của UBND tỉnh do các Sở, ngành soạn thảo trưng cầu và góp ý 47 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thành lập 09 Đoàn kiểm tra tại 9/9 đơn vị cấp huyện, kiểm tra 375 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế ban hành, thông qua công tác kiểm tra đã phát hiện 07 văn bản trái pháp luật và 64 văn bản sai sót về hình thức, nội dung và đã có kết luận kiến nghị, được HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố khắc phục, chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 11/8/2012 công bố 104 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành đến 31/12/2010 hết hiệu lực pháp luật và Quyết định số 1428/QĐ-UBND ngày 11/8/2012 bãi bỏ, hủy bỏ: 21 văn bản; đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới: 103 văn bản. Điểm nổi bật trong công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2012, ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 09/3/2012 triển khai công tác thi hành pháp luật tại địa bàn tỉnh; đã chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức Hội thảo và báo cáo kết quả khảo sát thi hành pháp luật trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại thành phố Huế và huyện Phong Điền; tổ chức lấy ý kiến của các Sở, ngành liên quan tiếp tục xây dựng phương án thực hiện khảo sát tình hình thi hành pháp luật tại địa bàn các huyện, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1641/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 thành lập Đoàn kiểm tra, Sở Tư pháp đã chủ trì cùng với các Sở, ngành liên quan trực tiếp kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy.

Công tác hành chính tư pháp tiếp tục được triển khai, từng bước đi vào nền nếp theo hướng cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng hiệu quả, thời gian giải quyết hồ sơ hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp được rút ngắn, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Công tác quốc tịch là nhiệm vụ được tập trung chỉ đạo ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, địa phương thực hiện với một số kết quả nổi bật được Bộ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao tại buổi làm việc với UBND tỉnh ngày 20/7/2012 về công tác tư pháp, đó là đã chủ trì phối hợp với các Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và UBND huyện A Lưới tổ chức thực hiện Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 28/01/2011 của UBND tỉnh về giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 22 Luật Quốc tịch; căn cứ kết quả khảo sát, xác minh trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp 147 hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam và đã được Chủ tịch nước có Quyết định số 432/QĐ-CTN ngày 06/4/2012, Quyết định số 1653/QĐ-CTN ngày 12/10/2012 cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 147 người Lào di cư tự do sinh sống tại huyện A Lưới. Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh chủ trì, tổ chức Lễ trao nhận Quốc tịch tại huyện A Lưới cho các trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam. Để thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án“Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp” và Kế hoạch số 52/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện công tác lý lịch tư pháp tại địa phương, Sở Tư pháp tổ chức lấy ý kiến của các Sở, ngành liên quan tổng hợp, chỉnh lý trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp giai đoạn 2012 – 2015 tại địa bàn tỉnh.

Việc đổi mới tư duy về hoạt động quản lý Nhà nước về luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản đã làm thay đổi cơ bản về xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp thẩm định phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và trình UBND tỉnh quyết định thành lập 02 Văn phòng Công chứng (hiện có 04 tổ chức hành nghề công chứng tại địa bàn tỉnh). Các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện 11.309 việc công chứng hợp đồng, giao dịch dân sự; phí công chứng thu được 4,2 tỷ đồng. Các tổ chức bán đấu giá tài sản tổ chức 396 phiên bán đấu giá, thu được 404,5 tỷ đồng, vượt so với giá khởi điểm 41 tỷ đồng.

Nổi bật công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, đó là Sở Tư pháp đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, từng bước đổi mới phương thức hoạt động, tạo cơ chế phối hợp và tạo điều kiện để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp bằng phương thức tổ chức toạ đàm, đối thoại trực tiếp với hơn 200 doanh nghiệp tại tỉnh. Sở Tư pháp đã được Bộ Tư pháp hỗ trợ, ủy quyền tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế của các Sở, ban, ngành và pháp chế các doanh nghiệp nhà nước, qua đó đã hướng dẫn, giải thích, cung cấp thông tin, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của doanh nghiệp. Tổ chức thành công Hội thi ‘‘Chủ tịch xã với pháp luật” lần thứ II/2012 theo Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 31/10/2011 của UBND tỉnh, đối tượng dự thi là Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Thông qua Hội thi, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản và kỹ năng giải quyết tình huống xảy ra trong quá trình chỉ đạo, điều hành tại địa bàn xã, phường, thị trấn; góp phần tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động công tác tư pháp hướng về cơ sở, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện tổ chức 09 hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật tại 09 đơn vị huyện, thị xã, thành phố Huế về Đề án 270, Đề án 2160 cho cán bộ Phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã và đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, cấp xã (hoàn thành 100% kế hoạch đề ra). Phối hợp với Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện Phú Lộc tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cho thành viên Tổ hòa giải các xã, phường, thị trấn.

Công tác Trợ giúp pháp lý tiếp tục đi vào chiều sâu, chất lượng tư vấn, hướng dẫn các vụ việc và tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của đối tượng trợ giúp do Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện được chú trọng và nâng cao. Thực hiện tư vấn, hướng dẫn 643 vụ việc tại trụ sở và qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 36 xã, phường, thị trấn thuộc 7/9 đơn vị cấp huyện. Cử Trợ giúp viên và Luật sư là cộng tác viên thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 193 đối tượng thuộc diện được trợ giúp tại Tòa án. Trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 09/11/2012 triển khai thực hiện Chiến lược Trợ giúp pháp lý Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030; Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 09/11/2012 “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2012 – 2015”.

Tổ chức bộ máy của ngành được kiện toàn, đã phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 209/QĐ-UBND ngày 15/02/2012 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1687/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, trong đó có việc thành lập mới Phòng Hành chính tư pháp và Phòng Bổ trợ tư pháp. Việc củng cố kiện toàn, bổ sung cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã được UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm nhằm hoàn thành nhiệm vụ của tư pháp cấp cơ sở. Đến 30/9/2012 có 254 cán bộ tư pháp – hộ tịch tại 152 xã, phường, thị trấn, trong đó có 100 xã, phường, thị trấn có 02 công chức tư pháp – hộ tịch và 01 phường thuộc thành phố Huế có 03 công chức tư pháp – hộ tịch (tỷ lệ 66,4 %) còn lại 51 xã, phường thị trấn có 01 công chức tư pháp – hộ tịch (tỷ lệ 33,6 %); có 209 người có trình độ Trung cấp luật trở lên, 05 người có trình độ đại học khác (tỷ lệ 84,2%), 30 Trung cấp khác và 10 người chưa qua đào tạo. Thực hiện Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU ngày 14/02/2012 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tư pháp triển khai, thực hiện quy trình thủ tục gửi báo cáo danh sách quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015 – 2020 và giai đoạn 2012 – 2015 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đặc biệt năm 2012, Sở Tư pháp đã tổ chức Đoàn công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác tư pháp tại các tỉnh SêKong và tỉnh Salavan, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ ngày 09 -13/9/2012. Tại các buổi làm việc, trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác tư pháp tại các Sở Tư pháp tỉnh bạn và một số đề nghị của Sở Tư pháp hai tỉnh SêKong, Salavan, Đoàn công tác đã thảo luận, ký biên bản ghi nhớ giữa Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế với Sở Tư pháp tỉnh SêKong và Sở Tư pháp tỉnh Salavan với các hoạt động, hai bên cùng tham mưu giải quyết các vấn đề pháp lý và tư pháp phát sinh nhằm nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân các xã khu vực biên giới; tổ chức thực hiện công tác hộ tịch, quốc tịch đối với công dân hai nước tại các huyện có chung đường biên giới và công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nâng cao trình độ nghiệp vụ nhằm vun đắp mối quan hệ truyền thống, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Hai bản ghi nhớ trên đã được UBND tỉnh đồng ý tổ chức thực hiện.

Nguyễn Ngọc Thiên An – Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế