Tiền Giang: Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp

27/11/2012
Vừa qua, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp.

Theo đó, trong những năm qua, công tác tư pháp luôn được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, cùng với sự phối hợp của các ngành, các cấp; cơ quan tư pháp (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Tư pháp cấp xã) đã tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tư pháp ở địa phương, qua đó đã khẳng định vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong quản lý nhà nước cũng như trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chỉ đạo, điều hành bằng pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, Ban cán sự Đảng, Đoảng đoàn, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và các ngành chức năng thực hiện các nội dung sau:

- Kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan tư pháp trong thời gian tới, đảm bảo đủ số lượng, trình độ chuyên môn giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp; bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo hướng ổn định, lâu dài, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Thành lập Phòng pháp chế, bố trí công chức có trình độ, năng lực làm công tác pháp chế trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

- Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đảm bảo cho hệ thống văn bản QPPL ban hành được thống nhất, đồng bộ, phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

- Tiếp tục quán triệt tinh thần Chỉ thị 32-CT/TW và Thông tri 18-TT/TU đến cán bộ, đảng viên về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao nhận thức và tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thực hiện tốt công tác PBGDPL. Đầu tư kinh phí cho các hoạt động PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược trợ giúp pháp lý đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 678/QĐ-TTg.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xử lý, giải quyết tại chỗ các vướng mắc, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; đề xuất cơ chế phù hợp để thúc đẩy thực hiện việc xã hội hội hóa các dịch vụ, các mô hình mới trong lĩnh vực tư pháp.

- Tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực hành chính tư pháp.

- Cấp ủy, chính quyền thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, đảm bảo cho hoạt động đúng định hướng, nâng cao hiệu quả công tác, kiên quyết xử lý vi phạm trong lĩnh vực tư pháp.

- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp thống nhất thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác tư pháp, nhất là ở cơ sở.

Chỉ thị 06-CT/TU của tỉnh ủy Tiền Giang tạo cơ sở quan trọng để ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp trong thời gian tới.

Đặng Phụng - Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang