Sở Tư pháp Hà Tỉnh Tổ chức toạ đàm về Thực tiễn thi hành BLHS

16/11/2012
Sở Tư pháp Hà Tỉnh Tổ chức toạ đàm về Thực tiễn thi hành BLHS
Sáng ngày 16 tháng 11 năm 2012, Sở Tư pháp Hà tĩnh tổ chức buổi tọa đàm về thực tiễn thi hành BLHS trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo các Sở: Công thương; Tài chính; Xây dựng; Ngoại vụ; Nội vụ; Y tế; Giao thông và Vận tải; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các đơn vị: Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Toà án nhân dân tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Thanh tra tỉnh;  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh; Đoàn Luật sư Hà Tĩnh; Ban giám đốc, trưởng các phòng, trung tâm của Sở Tư pháp; Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã.

Qua 11 năm triển khai Bộ luật Hình sự (BLHS), các Sở, ngành, đơn vị, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyên, phổ biến sâu rộng Bộ luật này trong cán bộ, công chức và nhân dân. Các ngành trong khối nội chính, Công an tỉnh đã quán triệt đến từng cán bộ công chức, chiến sĩ để nắm bắt tham mưu và thực thi nhiệm vụ một cách chính xác.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thiết thực về thực tiễn thi hành BLHS trong thời gian qua. Hầu hết các ý kiến cho rằng, công tác thi hành BLHS trong những năm qua được thực hiện một cách nghiêm túc, quá trình áp dụng các quy định của BLHS trong công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện một cách khách quan, toàn diện. Có thể khẳng định, BLHS năm 1999 đã quy định một cách tương đối hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự, đã luật hóa tương đối đầy đủ các hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện, khoa học. BLHS thực sự là công cụ pháp lý quan trọng góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế nhất định của BLHS hiện hành như: một số quy định còn mang tính khái quát, chung chung, thiếu hướng dẫn cụ thể, một số điều luật về độ tuổi, về hành vi cấu thành tội phạm, về chế tài xử lý đối với một số tội danh chưa thực sự hợp lý dẫn đến quá trình áp dụng không phù hợp hoặc bỏ lọt tội phạm, khung hình phạt còn quá rộng dẫn đến tùy tiện trong thực tiễn áp dụng...

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng thống nhất cho rằng việc sửa đổi, bổ sung BLHS là một yêu cầu tất yếu khách quan trong thời điểm hiện nay. Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO đã mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế đất nước, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, phải tuân thủ các cam kết quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực trong đó có những nội dung còn rất mới mẻ đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta đã có nhiều thay đổi. Chúng ta xây dựng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; phát triển hệ thống ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng cường các giao dịch bằng thẻ tín dụng, dịch vụ ngân hàng… Do vậy, nhiều loại hình tội phạm mới sẽ xuất hiện kéo theo nhiều hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu, nếu BLHS không được sửa đổi kịp thời thì sẽ khó đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Các đại biểu đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện BLHS phù hợp, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trên thực tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lê Hạnh  - Sở Tư pháp