Nghệ An: Tọa đàm “Thực tiễn thi hành các quy của Bộ luật Hình sự năm 1999 liên  quan đến  người chưa thành niên

27/08/2012
Nghệ An: Tọa đàm “Thực tiễn thi hành các quy của Bộ luật Hình sự năm 1999 liên  quan đến  người chưa thành niên
Ngày 25/8, Đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp đã cùng Sở Tư pháp Nghệ An tổ chức buổi tọa đàm “Thực tiễn thi hành các quy của Bộ luật Hình sự năm 1999 liên  quan đến  người chưa thành niên” . Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp ( Trưởng đoàn khảo sát) và Bà nguyễn Thị Quế Anh - Phó Giám Đốc Sở Tư pháp đồng chủ trì tọa đàm

Tham dự tọa đàm có bà Đỗ Thúy Vân - Cán bộ dự án Bảo vệ trẻ em của UNODC, và các chuyên viên Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính ,Bộ Tư pháp; Đại diện các đơn vị: Công an, VKSND, TAND, UBMTTQ, Đoàn Luật sư tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; các Trưởng phòng, Giám đốc Trung tâm trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An.

Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã trao đổi về thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và bào chữa các tội phạm liên quan đến người chưa thành niên tại tỉnh Nghệ An và những kiến nghị đề xuất hoàn thiện Bộ luật Hình sự năm 1999 liên quan đến người chưa thành niên.

Theo các đại biểu, việc xác định độ tuổi của người chưa thành niên thường gặp khó khăn do dữ liệu hộ tịch không chính xác như việc đăng ký khai sinh không đúng hạn. Các tài liệu liên quan như giấy chứng sinh, xác nhận học bạ của nhà trường… thường không nhất quán về ngày tháng năm sinh của đối tượng, nếu phải tiến hành giám định y khoa về tuổi của người chưa thành niên trong các vụ án hình sự lại gặp khó khăn về kinh phí và tốn thời gian.

Bên cạnh đó, quy định về miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 69 BLHS chưa cụ thể, tình tiết “ gây hại không lớn “ không xác định được định lượng cũng chưa có giải thích chính thức từ các văn bản luật hoặc dưới luật, thậm chí trong công văn giải thích về nghiệp vụ xét xử giải đáp thắc mắc của Toà án tối cao nên Toà án rất lúng túng khi vận dụng quy định này, dẫn đến sự không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc giữa các địa phương với nhau.

Ngoài ra, việc phát hiện các em vị thành niên tham gia hoạt động mại dâm, nhất là tại các khu vực du lịch biển vẫn gặp nhiều khó khăn, do các em đều bị chủ nhà nghỉ, quán trọ, quán hàng ép buộc khai nhận là xin vào làm công, làm thuê tại quán, nhà hàng, như nấu ăn, bưng bê, rửa bát, quét dọn… nên khi kiểm tra, các cơ quan chức năng chỉ xử lý sai phạm trong đăng ký tạm trú, tạm vắng. Chỉ khi bị cơ quan Công an bắt giữ khi đang tham gia hoạt động mại dâm, đối tượng mới khai nhận toàn bộ sự thật. Bên cạnh đó, việc giáo dục, quản lý, nhất là tạo công ăn việc làm đối với các em sau khi trở về địa phương chưa được giải quyết có hiệu quả, dẫn tới việc các em tiếp tục quay trở lại tham gia hoạt động mại dâm.

 Ngoài những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Bộ luật hình sự thì cũng còn nhiều vướng mắc trong hoạt động Tố tụng hình sự đối với tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Theo quy định tại điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự thì người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng thì không được bắt quả tang để ngăn chặn hành vi phạm tội của họ; đối tượng từ đử 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, sau khi gây án bỏ trốn, có lệnh truy nã bắt được cũng không được tạm gữi, tạm giam. Đây là quy định cực kỳ vô lý. Thực tiễn hoạt động điều tra tội phạm ở Nghệ An đã xảy ra rất nhiều trường hợp đối tượng chưa thành niên phạm tội bị bắt theo lệnh truy nã nhưng không tạm giữ, tạm giam được nên lại tiếp tục bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án…

Kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn khảo sát đã ghi nhận và tiếp thu những kiến nghị đề xuất hoàn thiện. Bộ luật Hình sự năm 1999 liên quan đến người chưa thành niên trong thời gian tới.

Quế Anh – Sở Tư pháp Nghệ An