Hà Nội: Tập huấn nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi

20/08/2012
Hà Nội: Tập huấn nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi
Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP.Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ TGPL cho Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên TGPL về nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự và kỹ năng tham gia tố tụng để bào chữa cho người được TGPL là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự.

Trình bày chuyên đề về kỹ năng tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, TS. Nguyễn Văn Điệp – Trưởng khoa Luật sư, Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp đã điểm lại một số kỹ năng cần thiết trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự từ khi làm thủ tục tham gia tố tụng vụ án hình sự; tham gia lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can và các hoạt động điều tra khác; khi tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với bị can, bị cáo, người làm chứng đến thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa; phát hiện sai phạm của Điều tra viên và đề xuất yêu cầu. Ngoài ra, còn có các kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, kỹ năng chuẩn bị luận cứ bào chữa cho bị cáo, kỹ năng tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và kỹ năng hùng biện.

Ông Điệp cũng lưu ý Trợ giúp viên phải đến sớm để tìm phòng xét xử, xuất trình giấy tờ cá nhân cho Thư ký, kiểm tra danh sách người tham dự phiên tòa, thành phần HĐXX… Nếu có chứng cứ mới, nhân chứng mới có lợi cho người được TGPL thì xuất trình, đăng ký với Thư ký ngay tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa. Trường hợp người được TGPL là người già yếu hoặc bị bệnh nặng thì đề xuất cho họ được ngồi và phải chuẩn bị sẵn giấy chứng nhận của cơ sở y tế đối với người bị bệnh nặng. Sau phiên sơ thẩm, Trợ giúp viên có quyền kháng cáo cho người được TGPL chưa thành niên, còn đối với người thành niên chỉ có thể tư vấn cho họ thực hiện quyền này.

Ngoài ra, Trợ giúp viên cần nhớ thông lệ diễn biến phiên tòa theo tuần tự bắt đầu từ HĐXX, Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa, Luật sư bảo vệ (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan). Khi hỏi thì Trợ giúp viên ngồi nhưng tranh luận phải đứng và trong khi tranh luận phải giữ bình tĩnh. Khi Tòa tuyên án, cũng phải đứng để ghi điểm chính của lời tuyên án, xin phép sử dụng ghi âm, ghi hình. Bên cạnh đó, Trợ giúp viên phải từ chối TGPL để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đối với những người phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người có tính chất man rợ.

TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Bộ môn tranh trụng dân sự, Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp thì giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự có liên quan đến hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trong quá trình thực hiện vụ việc cho người được TGPL. Theo Luật sửa đổi, bổ sung, hầu hết các vụ việc dân sự và những tranh chấp kể cả đã hòa giải thành đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trong đó, bổ sung một số tranh chấp như tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự…

Đặc biệt, đã sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức. Chẳng hạn, trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy thì quyết định cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự và thẩm quyền của cấp Tòa giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Bà Hằng phân tích, đây là điểm khác so với trước đây là nếu có yêu cầu hủy thì sẽ chuyển ngay sang giải quyết theo thủ tục hành chính, chứ không phải nhập “hành chính vào dân sự” như quy định của Luật sửa đổi, bổ sung (bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2012).

Một nội dung quan trọng khác mà bà Hằng cho rằng người thực hiện TGPL cần tư vấn cho người được TGPL là theo Luật sửa đổi, bổ sung, sẽ không thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân.

Cẩm Vân