Lạng Sơn với công tác quản lý và khai thác tủ sách pháp luật

25/07/2007
Từ khi có Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/ 11 /1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 28/ 01 /1999 của Bộ Tư pháp về việc triển khai dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật theo Quyết định số 1067/QĐ-TTg, được sự nhất trí của UBND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã (nay là thành phố) triển khai xây dựng tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Để đạt được kết quả như ngày nay, Sở Tư pháp  đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật và luân chuyển sách pháp luật như: Công văn số 408/TP ngày 21/ 7 /1999; Công văn số 422/TP ngày 06/ 8 /2001; Công văn số 464/TP  ngày 14/ 8 /2001 và Công văn số 755/TP ngày 30/ 7 /2002…

Là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, hàng năm Sở Tư pháp đều tham mưu cho Hội đồng đưa công tác chỉ đạo xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn thành một nội dung chính của kế hoạch triển khai công tác PBGDPL của Hội đồng và trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch.

 

Đến nay 226/226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng được tủ sách pháp luật với số lượng sách trung bình mỗi tủ hơn 100 đầu sách và nhiều báo, công báo của trung ương, của tỉnh và tạp chí pháp luật khác. Riêng huyện Hữu Lũng còn xây dựng được ngăn sách pháp luật ở 223 thôn, bản trên địa bàn huyện. Các Tủ sách pháp luật hiện nay đều được đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và được giao cho cán bộ Tư pháp – Hộ tịch quản lý.

Phần lớn các xã, phường, thị trấn đã có dấu Tủ sách pháp luật, sách được dán nhãn, vào sổ đăng ký cá biệt, xây dựng được nội quy quản lý, khai thác tủ sách pháp luật niêm yết tại nơi đặt tủ sách và thực hiện việc sắp xếp, bảo quản, kiểm kê sách, báo, tài liệu theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Để việc quản lý và khai thác tủ sách có hiệu quả, Sở Tư pháp đã cấp phát tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ tủ sách pháp luật của Bộ Tư pháp và đầy đủ các loại sổ sách về quản lý tủ sách pháp luật như sổ đăng ký cá biệt, sổ mượn…cho 226 xã, phường, thị trấn trong tỉnh làm cơ sở triển khai thực hiện việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn mình. Đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ mở được 02 lớp tập huấn nghiệp vụ tư pháp cho cán bộ tư pháp của 226/226 xã, phường, thị trấn trong tỉnh trong đó có nghiệp vụ về quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật xã, phường thị trấn.

Từ năm 2003 đến năm 2007 được sự hỗ trợ về kinh phí của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã mua trang bị cho tủ sách pháp luật của 226/226 xã, phường, thị trấn mỗi tủ sách hơn 50 đầu sách với tổng số tiền là 217.800.000,đ.

Trong năm 2004 Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát các bộ luật, luật, pháp lệnh còn hiệu lực thi hành để gửi cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn làm cơ sở rà soát, sắp xếp Tủ sách pháp luật. Năm 2004 và 2006 Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra công tác PBGDPL tại một số huyện và xã, trong đó có kiểm tra việc quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật, qua kiểm tra đã phát hiện được những hạn chế, tồn tại và đã có kết luận để các đơn vị cùng rút kinh nghiệm chung.  

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn tham mưu cho Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể xây dựng tủ sách pháp luật, đến nay toàn tỉnh có 41 sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, đơn vị trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn xây dựng được Tủ sách pháp luật với số lượng từ 60 cuốn sách trở lên. Các đơn vị có số lượng sách nhiều là Cục thuế, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Giao thông vận tải…Một số đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng và mua bổ sung sách pháp luật như: Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo xây dựng được 245 Tủ sách dùng chung, trong đó có nhiều sách, báo pháp luật; Công an tỉnh 38 tủ; Bảo hiểm xã hội tỉnh 19 tủ, Bưu điện tỉnh xây dựng được 12 tủ sách trong toàn ngành và 137 tủ sách ở các điểm bưu điện văn hoá xã.

Hàng năm các huyện, thành phố đều mở các lớp tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã trong đó có nghiệp vụ về quản lý, sử dụng khai thác tủ sách pháp luật.

 

 

Việc khai thác, sử dụng: Hàng năm, theo báo cáo của các đơn vị thì có hàng nghìn lượt người đến khai thác Tủ sách pháp luật, tuy nhiên đối tượng khai thác và sử dụng sách, báo, tài liệu của tủ sách pháp luật chủ yếu vẫn là cán bộ, công chức cấp xã và một số chức danh ở thôn, bản, khối phố; còn đối với nhân dân việc khai thác sử dụng còn rất hạn chế, họ chỉ đến mượn sách, tài liệu khi bản thân và gia đình có những vướng mắc về pháp luật.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về Tủ sách pháp luật đã được các xã, phường, thị trấn tích cực thực hiện thông qua các cuộc họp, hội nghị ở xã, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở và các buổi họp thôn, bản, khối phố.

Việc trao đổi luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn với điểm bưu điện văn hoá xã và Đồn biên phòng đã được triển khai thực hiện, nhưng gặp nhiều khó khăn chưa đạt được mục tiêu đề ra theo kế hoạch phối hợp liên ngành.

Đến nay, 226 /226 xã, phường, thị trấn vẫn tiếp tục duy trì và khai thác có hiệu quả hoạt động của tủ sách pháp luật đáp ứng một phần nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân, đặc biệt là đã góp phần tích cực phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và giải quyết công việc theo đúng pháp luật của các cơ quan đơn vị, nhất là ở cơ sở.

Qua hơn 8 năm thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được một số  kết quả tích cực, cụ thể:

Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn đã có sự quan tâm nhất định đến việc xây dựng tủ sách pháp luật và hàng năm mua sách pháp luật bổ sung cho tủ sách, thể hiện rõ nhất là Chỉ thị 35-CT/TU ngày 27/4/2004 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ  về tăng cường công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân quy định: UBND các cấp; các ban, ngành, đoàn thể  nhân dân từ tỉnh đến cơ sở cần bố trí một khoản kinh phí cần thiết cho công tác PBGDPL và xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị mình. UBND cấp tỉnh cấp kinh phí mua bổ sung sách pháp luật cho Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; chỉ đạo quản lý, sử dụng Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, đảm bảo khai thác có hiệu quả.

Thông qua hoạt động của tủ sách pháp luật đã giúp cho cán bộ cấp xã giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của nhân dân.

Tủ sách pháp luật đã trở thành một trong những hình thức PBGDPL quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ở cơ sở; là công cụ  quan trọng hỗ trợ cho cán bộ, công chức ở cơ sở trong giải quyết công việc hàng ngày.

Tuy vậy, công tác quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: Số lượng sách trong Tủ sách pháp luật còn ít, chưa thực sự phong phú, hấp dẫn đối với người đọc. Một số đơn vị chưa thực hiện đúng hướng dẫn về vào sổ đăng ký cá biệt, đánh số đăng ký cá biệt, đóng dấu tủ sách, dán nhãn, sắp xếp tủ sách chưa khoa học... nguyên nhân chủ yếu do mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có 01 cán bộ Tư pháp – Hộ tịch, một số cán bộ còn kiêm nhiệm công việc khác hoặc chưa qua đào tạo chuyên môn, trong khi đó công việc tư pháp ngày càng nhiều.

Công tác khai thác Tủ sách pháp luật hiệu quả chưa cao, mới chủ yếu phục vụ cho giải quyết công việc của cán bộ xã, số lượng nhân dân đến mượn sách đọc còn ít, do tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, mà trụ sở thì chật hẹp, chưa đủ chỗ cho cán bộ xã làm việc nên không có phòng đọc, mặt khác do người dân chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật, một số nơi do trình độ dân trí không đồng đều, người dân đọc sách pháp luật thấy khó hiểu nên không tự tìm hiểu.

Việc luân chuyển sách pháp luật giữa Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn với các loại hình đọc sách khác trên địa bàn thực hiện còn hạn chế, do các đầu sách về hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật có giá bán quá cao so với kinh phí của cấp xã, vì vậy trong tủ sách pháp luật có ít các loại sách trên, chủ yếu là luật, pháp lệnh do đó không luân chuyển được.

Hiện nay, hàng năm Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành thông qua rất nhiều luật, pháp lệnh, trong khi đó ngân sách cấp xã lại khó khăn nên việc trang bị sách pháp luật bổ sung kịp thời cho tủ sách theo quy định còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào số sách hỗ trợ của tỉnh và huyện.

Để sách pháp luật có thể kịp thời đến với Tủ sách PL đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, giảm giá sách pháp luật đối với các xã ở khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Liên ngành trung ương cần nghiên cứu đánh giá hiệu quả chương trình phối hợp liên ngành trong quản lý, khai thác tủ sách pháp luật có phù hợp với điều kiện hiện nay chưa để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện. Cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên của việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cấp xã để có giải pháp  củng cố cho phù hợp.../.

Đức Khoa