Hội thảo công tác PBGDPL vùng dân tộc thiểu số và biên giới khu vực phía Nam

25/07/2007
Ngày 24/07/2007 tại Bình Phước, Ủy ban dân tộc tổ chức Hội thảo Công tác phổ biến giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số và biên giới, khu vực phía Nam. Tham dự hội thảo có các thành viên của Ban chỉ đạo Đề án nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới Trung ương, lãnh đạo Ban dân tộc, Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Bộ đội biên phòng 11 tỉnh phía Nam và đại diện 10 già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trì bà Hoàng Phương Hoa Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ủy ban dân tộc.

Các đại biểu đã được nghe 12 tham luận của Ủy ban Mặt trận tổ quốc, ngành Tư pháp, Ban dân tộc, Bộ đội biên phòng đại biểu đại diện cho các ngành, địa phương có hình thức tuyên truyền pháp luật đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc và biên giới trình bày. Các đại biểu đều khẳng định công tác phổ biến giáo dục pháp luật thời gian qua đều được các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và các ngành, các cấp quan tâm tổ chức thực hiện. Nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp vùng miền và đối tượng. Qua tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới biết được các quy định cơ bản của pháp luật để tổ chức thực hiện, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nổi bật có các hình thức tuyên truyền miệng, qua Đài truyền thanh, tuyên truyền qua các cuộc hòa giải, tuyên truyền qua băng, đĩa, tờ rơi tờ gấp và lồng ghép trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội của đồng bào dân tộc, biên giới.

Tại Hội thảo các đại biểu cũng chia sẽ kinh nghiệm trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới như: phải biết phong tục tập quán của từng dân tộc, vùng, miền; nội dung tuyên truyền phải gắn với cuộc sống hàng ngày của đồng bào, từ ngữ tuyên truyền phải dễ hiểu gần gũi; phải kết hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, y tế và giáo dục; nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật đến đồng bào phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tài liệu phát đến đồng bào nên trình bày đẹp, chữ lớn, in song ngữ…Đồng thời các đại biểu cũng trao đổi khó khăn gặp phải trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số như không biết tiếng, phong tục tập quán của đồng bào, tài liệu cấp phát còn hạn chế, chưa thực hiện thường xuyên…Từ đó các đại biểu cũng kiến nghị Ban chỉ đạo Đề án Trung ương  hỗ trợ  sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới (in song ngữ cả tiếng Việt và tiếng dân tộc); tăng cường việc xây dựng cấp phát miễn phí băng, dĩa bằng tiếng dân tộc; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm cho lực lượng tuyên truyền viên pháp luật; đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật phải biết tiếng dân tộc; có chính sách động viên bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và biên giới.

Lệ Thủy