Bình Định: Phát động phong trào thi đua “Chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”

29/05/2012
Thực hiện Kế hoạch số 2611/KH-BTP ngày 03/4/2012 của Bộ Tư pháp về việc phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định đã ban hành Kế hoạch phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua trong toàn ngành Tư pháp tỉnh.

Tham gia xây dựng, thẩm định 100% các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao; tích cực tham mưu, đề xuất thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, khả thi các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới và các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới; xây dựng phát triển làng nghề; … Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị, đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản về cơ chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, giải phóng sức lao động, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Tập trung tuyên truyền từ 80% đến 95% các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng nông thôn mới và các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, người dân ở nông thôn. Phấn đấu từ 80% đến 90% trở lên các xã trong tỉnh được tiếp cận pháp luật thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí, tài liệu pháp luật, phương tiện truyền thông, hoà giải ở cơ sở, … phấn đấu từ 85% đến 90% tổ hoà giải ở nông thôn hoạt động hiệu quả, số vụ việc hoà giải thành đạt từ 80% đến trên 85%.

Phấn đấu từ 90% đến 100% nhu cầu trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật, hoà giải của người được trợ giúp pháp lý được đáp ứng ngay tại cơ sở; hoàn thành từ 80% tổng số vụ việc mà người được trợ giúp pháp lý yêu cầu. Bảo đảm từ 90% đến 100% vụ việc yêu cầu tư vấn pháp luật được hoàn thành; 90% đến 100% các xã tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/01 năm;

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở cơ sở, phấn đấu đến năm 2015 đạt 100% trẻ em sinh ra ở xã thuộc đồng bằng, đô thị và 70% trẻ em sinh ra ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được đăng ký khai sinh đúng hạn theo quy định; các năm từ 2016 đến 2020, mỗi năm tăng dần ít nhất là 5% đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Quy hoạch phát triển mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp và phân bố hợp lý, đáp ứng nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân trong xã hội với mục tiêu đến năm 2020 mỗi địa bàn cấp huyện có ít nhất 01 tổ chức hành nghề công chứng; phát triển khoảng từ 80 - 100 luật sư, có 40 - 50 tổ chức hành nghề luật sư.

Phối hợp, tăng cường củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành bằng pháp luật của chính quyền cấp xã; phấn đấu đến năm 2015, 100% các xã có 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch và 90% công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã đạt trình độ từ trung cấp Luật trở lên và các tiêu chuẩn khác theo hướng dẫn, theo quy định của pháp luật.

Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Bình Định chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” được triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2020, gồm 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2012 đến 2015, giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020; với trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể của toàn Ngành từ các phòng chuyên môn đến các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp và các cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã.

Hồ Mỹ Ngọc Chân