Sở Tư pháp Khánh Hòa: Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tư pháp tỉnh

10/05/2012
Vừa qua, Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hòa đã ký ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tư pháp tỉnh về Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều  hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2012.

Theo đó, bên cạnh việc cần tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thiết thực cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012; ngành Tư pháp Khánh Hòa xác định sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để tạo tiền đề cho các năm tiếp theo như sau:

Về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL): Toàn Ngành tiếp tục tạo sự chuyển biến hơn nữa về chất lượng thẩm định VBQPPL; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác thẩm định VBQPPL; Thực hiện tốt Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND các cấp.

Làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra, xử lý VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh năm 2012. Nâng cao năng lực và chất lượng công tác kiểm tra VBQPPL trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% VBQPPL được kiểm tra sau khi ban hành. Theo dõi, đôn đốc quá trình xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế; đôn đốc tổ chức pháp chế các Sở, ban ngành tích cực trong việc kiểm tra VBQPPL do cơ quan, đơn vị mình tham mưu UBND tỉnh ban hành để kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ cho phù hợp quy định hiện hành.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý VBQPPL và Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp về quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ; Nâng cao chất lượng công tác rà soát, hệ thống VBQPPL nhằm góp phần tiến tới hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, dễ tiếp cận và áp dụng.

Về công tác pháp chế và theo dõi thi hành pháp luật, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu việc kiện toàn và nâng cao năng lực cho các tổ chức pháp chế Sở, ngành và các doanh nghiệp nhà nước bảo đảm sự tham gia tích cực, chủ động và có hiệu quả của các tổ chức pháp chế trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và kiểm tra văn bản ở các sở, ngành. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật khi Chính phủ ban hành Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật.

Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL): tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/2003, Kết luận số 04/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2012, triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên”. Đồng thời, tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03/2011/CT-BTP của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở. Tiếp tục kiện toàn và đánh giá tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46/CT-UBND ngày 28/12/2010 của UBND tỉnh về thực hiện “Ngày pháp luật” ở các Sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp cho cán bộ, công chức thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình để giải quyết công việc một cách hiệu quả, đúng pháp luật.

Đối với công tác Trợ giúp pháp lý (TGPL), tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chiến lược TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020; Thực hiện có hiệu quả chính sách TGPL miễn phí cho người nghèo trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền và nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách TGPL của Nhà nước theo Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020.

Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP ngày 06/6/2011 của Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn thực hiện TGPL trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về  TGPL trong hoạt động tố tụng; chú trọng việc đánh giá, kiểm tra chất lượng vụ việc TGPL nhằm nâng cao chất lượng các vụ việc TGPL, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện bào chữa; Tăng cường và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong tố tụng; nâng cao chất lượng tham gia TGPL trong hoạt động tố tụng; tiếp tục duy trì sinh hoạt các Câu lạc bộ TGPL.

Công tác Hành chính Tư pháp: tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa chính trị, tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, bồi thường của nhà nước nhằm đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống; phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh bố trí biên chế để thực hiện nhiệm vụ bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BTP-BNV ngày 19/10/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ; Triển khai Đề án thực thi Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế giai đoạn 2012 – 2015, đưa công tác này dần đi và nề nếp trong những năm đầu thực hiện Công ước.

Triển khai thực hiện Quyết định số 4279/QĐ-BTP ngày 17/11/2011 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các VBQPPL về hộ tịch trên địa bàn tỉnh.; Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp; thường xuyên kiểm tra và ngăn ngừa các vi phạm trong lĩnh vực kết hôn, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

 Thực hiện công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục trong giải quyết công việc trên các lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp, không gây phiền hà, ngăn ngừa sách nhiễu đối với tổ chức và công dân khi liên hệ giải quyết công việc; tập trung nguồn lực để cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp, rà soát, đối chiếu các thông tin về lý lịch tư pháp tại Tòa án nhân dân các cấp; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch ở địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch cấp xã ở các huyện miền núi.

Về công tác Bổ trợ tư pháp, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, luật sư. Ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động luật sư; triển khai thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà.

Tổ chức triển khai có hiệu quả các đề án, chiến lược phát triển lĩnh vực bổ trợ tư pháp như: Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 - 2020”; Đề án Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam... qua đó tiếp tục đẩy mạnh tiến trình xã hội hoá các hoạt động này đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; triển khai Đề án 123/QĐ-TTg về phát triển luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế có phẩm chất và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; Tiếp tục triển khai Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm

Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các Văn phòng công chứng và từng bước chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch về bất động sản cho các địa phương có tổ chức hành nghề công chứng thực hiện...

Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng

Tiếp nhận, xử lý và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; Xây dựng và triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2012, trong đó cần tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như: Công chứng, hộ tịch, bán đấu giá tài sản, luật sư, tài chính kế toán ở tất cả các đơn vị trực thuộc Sở. Bảo đảm sau khi thanh tra, kiểm tra thì hiệu quả công tác và kỷ luật, kỷ cương của ngành được chấn chỉnh tốt hơn; Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

Trong công tác xây dựng Ngành, kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc Sở theo Quyết định số 2142/QĐ-UBND ngày 04/9/2009 của UBND tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở; Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã, cấp huyện nhằm nâng cao năng lực giải quyết công việc theo thẩm quyền. Chú trọng công tác đào tạo sau đại học và lý luận chính trị.

Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ theo hướng dẫn của Tỉnh ủy và Sở Nội vụ; thực hiện tốt việc tuyển dụng, đánh giá, tuyển chọn, bồi dưỡng, bố trí công chức, viên chức, tạo môi trường làm việc công bằng, bình đẳng, công khai, dân chủ, đoàn kết, quan tâm tốt hơn đến đời sống của cán bộ; Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với một số chức danh công chức theo Nghị định 158/2007/NĐ–CP ngày 27/10/2007.

Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu gây phiền hà cho tổ chức và công dân.

Về công tác thi đua – khen thưởng, tiếp tục quán triệt các Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến nhằm đổi mới sâu sắc công tác thi đua, khen thưởng; Thực hiện có hiệu quả việc chấm điểm thi đua theo Bảng điểm đối với các Phòng Tư pháp; chú trọng việc nhân các điển hình tiên tiến, duy trì phong trào thi đua trong toàn ngành.

Trong công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp: tiếp tục triển khai thực hiện việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Sở, ngành; hoàn thành nhiệm vụ rà soát và kiến nghị đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp; công khai các thủ tục hành chính ngay sau khi được ban hành tại trụ sở cơ quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Tiếp tục lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành theo Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2012 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.

Duy trì việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào một số hoạt động của cơ quan Sở Tư pháp.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế cũng được chú trọng. Thông qua triển khai thực hiện thoả thuận về việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa Sở Tư pháp Khánh Hoà với Sở Tư pháp tỉnh Chăm Pa Săk, Sở Tư pháp tỉnh Attapư - CHDCND Lào theo văn bản đã ký kết; Thực hiện việc trao đổi các đoàn học tập kinh nghiệm kết hợp với thực hiện các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn giúp cán bộ của Sở Tư pháp hai tỉnh Chăm Pa Săk và Attapư nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, Sở Tư pháp đã chỉ đạo: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở; Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm: Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Kế hoạch này của đơn vị, tổ chức mình và tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch đã được phê duyệt; báo cáo định kỳ kết quả thực hiện với Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng đơn vị và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.

Đồng thời, Kế hoạch này cũng giao Văn phòng Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và cả năm báo cáo Giám đốc Sở để kịp thời chỉ đạo.

Đ.H