Bình Định: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch

07/05/2012
Ngày 02/5/2012, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị có sự tham dự của 55 đại biểu là đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch của tỉnh; lãnh đạo UBND huyện An Lão; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Phó Trưởng phòng Nội chính Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và Trưởng, phó các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp.

Các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình đăng ký, quản lý hộ tịch và hiệu quả thực tế của công tác này đối với các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương trong những năm qua. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong thời gian tới, các đại biểu đã thống nhất đề nghị một số nội dung:

Mô hình quản lý hộ tịch ở 04 cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã như hiện nay đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế như tổ chức bộ máy cồng kềnh, phức tạp về xác định thẩm quyền và thủ tục tạo kẽ hở làm phát sinh khả năng gian lận về hộ tịch, người dân khó phân biệt yêu cầu của mình do cấp nào giải quyết. Vì vậy, trong giai đoạn mới công tác đăng ký hộ tịch nên giao cho 02 cấp là cấp xã và cấp tỉnh, trong đó cấp xã thực hiện đăng ký hộ tịch đối với công dân Việt Nam, cấp tỉnh tổ chức thực hiện pháp luật, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và trực tiếp thực hiện đăng ký hộ tịch đối với các sự kiện hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Cấp Trung ương là cấp quản lý vĩ mô chuyên về hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, cấp huyện có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, thanh tra.

Dữ liệu hộ tịch có ý nghĩa quan trọng là nền tảng của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hộ tịch, lưu trữ những thông tin về cá nhân của một người. Do đó, việc tin học hóa đăng ký và quản lý hộ tịch hiện nay là một yêu cầu tất yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng và việc tin học hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nên làm ở từng địa phương. Tuy nhiên, việc tin học hóa cần phải có những giải pháp phù hợp cho mỗi bước đi để đảm bảo cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đáp ứng yêu cầu của công dân; phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Để đảm bảo ổn định và nâng cao chất lượng công tác hộ tịch, Luật Hộ tịch cần quy định về chức danh hộ tịch viên và tương ứng với chức danh là chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút và đảm bảo cho cán bộ, công chức tư pháp hộ tịch gắn bó lâu dài với công việc.

Hồ Mỹ Ngọc Chân