UBND tỉnh Quảng Ngãi tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch trên địa bàn tỉnh

12/04/2012
UBND tỉnh Quảng Ngãi tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Quyết định số 4279/QĐ-BTP ngày 17/11/2011 của Bộ Tư pháp về Tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về hộ tịch, vừa qua UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản QPPL về hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Quang Thích, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản QPPL về hộ tịch tỉnh chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo Tổng kết công tác đăng ký quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản QPPL về hộ tịch trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, từng bước ổn định, đi vào nề nếp và hoạt động có hiệu quả; cấp ủy và lãnh đạo UBND các cấp đã có sự quan tâm, chỉ đạo và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch được chú trọng triển khai đến tận cơ sở; các sự kiện hộ tịch của nhân dân về cơ bản được thực hiện kịp thời và đúng quy định của pháp luật; hạn chế nhiều sự kiện hộ tịch phát sinh nhưng không được đăng ký hoặc đăng ký thiếu chính xác; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về hộ tịch của người dân được nâng lên; đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp hộ tịch từ tỉnh đến cơ sở từng bước được quan tâm củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

Kết quả từ năm 1987 đến năm 2010, các cơ quan đăng ký hộ tịch trong toàn tỉnh đã giải quyết đăng ký được 916.669 sự kiện về hộ tịch, trong đó: đăng ký khai sinh 671.221 trường hợp; đăng ký kết hôn 180.182 trường hợp; đăng ký khai tử 65.266 trường hợp. Hiện nay trong toàn tỉnh đã có 295 công chức tư pháp hộ tịch ở cấp xã/184 xã, phường, thị trấn; về trình độ chuyên môn: đại học luật: 33 đồng chí (chiếm tỷ lệ 11,19%); trung cấp luật: 213 đồng chí (chiếm tỷ lệ 72,2%); trình độ chuyên môn khác: 37 đồng chí (chiếm tỷ lệ 12,54%); bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp hộ tịch: 12 đồng chí (chiếm tỷ lệ 4,07%), đã có 109 đơn vị bố trí 02 công chức tư pháp hộ tịch (đạt tỷ lệ 59,24%), đặc biệt có 01 đơn vị bố trí 03 công chức tư pháp hộ tịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế như một số lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác hộ tịch, xem việc đăng ký hộ tịch là nghĩa vụ của người dân; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch chưa được thực hiện thường xuyên; nhận thức của người dân đối với việc đăng ký các sự kiện hộ tịch có nơi còn hạn chế, chưa thấy được ý nghĩa của việc đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, dẫn đến tình trạng trẻ em sinh ra không đăng ký khai sinh, người chết không khai tử, nam nữ chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn; tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn còn cao; công chức tư pháp hộ tịch cấp các giấy tờ hộ tịch cho công dân có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng sai sót, giải quyết đăng ký việc hộ tịch sai thẩm quyền; sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong đăng ký hộ tịch chưa thật sự đồng bộ. Đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch ở cấp xã mặc dù đã được đào tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực làm việc, kiêm nhiệm quá nhiều việc, đặc biệt là không ổn định, thường xuyên thay đổi theo nhiệm kỳ bầu cử HĐND. Bên cạnh đó hệ thống văn bản pháp luật về hộ tịch còn phân tán, phức tạp, trình tự thủ tục, thẩm quyền đăng ký còn rườm rà, nhiều cấp, hiện nay có những quy định pháp luật không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận, phân tích thêm để bổ sung vào báo đánh giá toàn diện thực trạng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của UBND tỉnh từ năm 1987 đến nay, thảo luận về những kết quả đạt được, những tồn tại, bất cập và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác hộ tịch, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, để tạo bước chuyển biến mới, bền vững trong công tác quản lý hộ tịch, bảo đảm công tác đăng ký hộ tịch được chính xác, đầy đủ, kịp thời, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng trong thời gian tới, đồng thời là cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Luật Hộ tịch.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những thành tích và kết quả đạt được của các cơ quan đăng ký hộ tịch trong toàn tỉnh, ghi nhận những đóng góp tích cực của công chức tư pháp hộ tịch, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, UBND các cấp đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Đồng thời nhấn mạnh công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có một vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình quản lý nhà nước, là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền các cấp, có ảnh hưởng rất lớn và liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Để tạo chuyển biến một cách cơ bản trong công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, đảm bảo các sự kiện hộ tịch phát sinh tại địa phương phải được đăng ký đầy đủ, kịp thời, chính xác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng ở địa phương trong thời gian tới, yêu cầu các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

Phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch cho cán bộ và nhân dân ở địa phương, đặc biệt là tại địa bàn các xã miền núi, vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật về đăng ký hộ tịch nói chung, đăng ký khai sinh cho trẻ em nói riêng còn nhiều hạn chế, nên các ngành, các cấp phải thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch đến tận người dân, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân để họ hiểu được mục đích, ý nghĩa của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, quyền và nghĩa vụ của công dân trong đăng ký hộ tịch.

Đối với công tác hộ tịch, tuy là công việc chuyên môn của ngành Tư pháp, nhưng muốn thực hiện tốt công tác này đòi hòi phải có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền địa phương, UBND các cấp xem đây là việc làm thường xuyên của mình, phải tổ chức kiểm tra, đôn đốc công chức tư pháp hộ tịch triển khai thực hiện nhiệm vụ, để kịp thời đăng ký các sự kiện hộ tịch phát sinh tại địa phương, bố trí đủ biên chế công chức tư pháp hộ tịch đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện về kinh phí, trang bị phương tiện làm việc như máy vi tính, triển khai cài đặt phần mềm về quản lý hộ tịch và tủ lưu hồ sơ để phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ngày càng tốt hơn.

Hàng năm Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện, thành phố có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để trang bị cho đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch nắm vững những kỹ năng cơ bản trong nghiệp vụ đăng ký hộ tịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch để phát hiện những sai sót mà chấn chỉnh kịp thời. Khẩn trương trình UBND tỉnh cho ý kiến về chủ trương mở lớp trung cấp luật để đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch hiện nay chưa qua đào tạo nghiệp vụ.

Đối với công chức tư pháp hộ tịch, cần phải ý thức được trách nhiệm của mình, thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch cho nhân dân, phương pháp làm việc cần phải năng động; không phải ngồi bàn giấy trông chờ công dân đến đăng ký, mà phải có lịch định kỳ đi xuống từng địa bàn khu dân cư để nắm được những sự kiện hộ tich phát sinh, hướng dẫn và vận động nhân dân đăng ký các sự kiện hộ tịch theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải nghiên cứu và nắm vững các quy định của pháp luật về hộ tịch để đăng ký kịp thời, chính xác, đầy đủ các việc hộ tịch theo yêu cầu của công dân.

Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, vì vậy cần phải có sự phối hợp tích cực và đồng bộ của nhiều ngành, đoàn thể trên tinh thần hợp tác vì mục đích chung. Trong điền kiện ý thức pháp luật của người dân còn thấp, sự tự giác của họ trong đăng ký hộ tịch chưa cao thì sự phối hợp liên ngành sẽ có tác dụng tuyên truyền, lôi cuốn, hình thành cơ chế ràng buộc để người dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 07 tập thể và 09 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương./.

 Khánh Linh