UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch năm 2012 Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

08/03/2012
Để triển khai thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Tây Ninh, ngày 20/02/2012 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch năm 2012 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó Kế hoạch đề ra các nội dung cụ thể thực hiện như sau:

*  Giai đoạn 2012 – 2015

Tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý:  Xây dựng và lắp đặt Bảng thông tin và Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tíếp dân của 80% Ủy ban nhân dân, cơ quan thanh tra, cơ quan hành chính cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; 90% trụ sở tiếp dân của các cơ quan tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; cơ quan thanh tra quân đội các cấp và đồn biên phòng; Thông tin về trợ giúp pháp lý trên 70% Đài Truyền thanh cấp xã; Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thông tin về trợ giúp pháp lý Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh, trên 70% Đài Truyền thanh cấp huyện; lồng ghép với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động xét xử lưu động của Tòa án; biên soạn tờ gấp, cẩm nang và các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật khác.

Năm 2012 tiến hành xây dựng và lắp đặt Bảng thông tin và hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân của 30% Uỷ ban nhân dân, cơ quan thanh tra, cơ quan hành chính quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; 70 % trụ sở tiếp dân của các cơ quan tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; cơ quan thanh tra quân đội các cấp và đồn biên phòng; Xây dựng chuyên mục, chuyên trang, thông tin về trợ giúp pháp lý trên Đài Truyền thanh huyện, thị xã, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh; In ấn, phát hành các tờ gấp, cẩm nang pháp luật… truyền thông về trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người dân.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ trợ giúp pháp lý: Giai đoạn 2012 – 2015, cụ thể trong năm 2012: Kiện toàn mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm theo các mục tiêu được đề ra trong Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 16/02/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh.

Năm 2012: Phát triển nguồn nhân lực bổ sung thêm 02 - 04 Trợ giúp viên pháp lý và khoảng 10 cộng tác viên; Mở 02 lớp  tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, cập nhật kiến thức pháp luật cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

Tăng cường nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý: Phát triển khoảng 06 Trợ giúp viên pháp lý và khoảng 30 cộng tác viên, chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên là người có uy tín trong cộng đồng, phụ nữ và người dân tộc thiểu số.

Trong năm 2012 thành lập và tổ chức sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở 70% - 80% các xã vùng sâu, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động, tổ chức Trợ giúp pháp lý lưu động từ 50-60 đợt,  bảo đảm 60% các xã tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/năm.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và tăng cường trợ giúp pháp lý ở cơ sở: Khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu trợ giúp pháp lý và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý theo định kỳ hàng năm nhằm bảo đảm đáp ứng được đầy đủ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân; tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật hiện hành. Tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở (trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, sinh hoạt pháp luật theo chuyên đề,…), ưu tiên các vùng sâu và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm 100% các xã tại khu vực này thành lập và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/năm.

Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý: Xây dựng mới hoặc cải tạo trụ sở làm việc của Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; tăng cường kinh phí, bố trí phương tiện làm việc, đi lại, phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.

* Giai đoạn 2016 – 2020

Tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý: Xây dựng và lắp đặt Bảng thông tin và hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân của 100% Ủy ban nhân dân, cơ quan thanh tra, cơ quan hành chính cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; Cơ quan tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; cơ quan thanh tra quân đội các cấp và đồn biên phòng; thông tin về trợ giúp pháp lý trên 100% loa phát thanh cấp xã; xây dựng chuyên trang, chuyên mục thông tin về trợ giúp pháp lý trên 100% Đài Truyền  thanh cấp huyện, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh; lồng ghép với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động xét xử lưu động của Tòa án; biên soạn tờ gấp, cẩm nang và các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật khác.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ trợ giúp pháp lý: Củng cố và kiện toàn tổ chức, bộ máy của các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bảo đảm tính độc lập trong hoạt động và chịu trách nhiệm về trợ giúp pháp lý.

Tăng cường nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý: Phát triển khoảng 06 trợ giúp viên pháp và khoảng 30 cộng tác viên, chú trọng phát triển các cộng tác viên trợ giúp pháp lý là phụ nữ và người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, nhân viên xã hội, người có uy tín trong cộng đồng…

Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và tăng cường trợ giúp pháp lý ở cơ sở: Tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở, bảo đảm 100% cấp xã thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/ năm, đáp ứng 100% nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngay tại cơ sở. Tổng kết, đánh giá các hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở, củng cố, kiện toàn, đổi mới các mô hình thực hiện trợ giúp pháp lý, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng phong phú và đa dạng của người được trợ giúp pháp lý.

Giai đoạn 2020 – 2030

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý: Kiện toàn đội ngũ Luật sư nhà nước theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp, hiện đại; bảo đảm 100% người thực hiện trợ giúp pháp lý đáp ứng về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm quyền lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.

Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý: Khảo sát, nghiên cứu và xác định mức ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển trợ giúp pháp lý.

Kiểm tra, đánh giá, tổng kết, báo cáo việc tổ chức thực hiện Chiến lược: Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược để đánh giá toàn diện về mô hình tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý nhà nước và xã hội và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân sau 10 năm thực hiện Chiến lược.

UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị có liên quan đảm bảo thực hiện kế hoạch theo tiến độ đề ra. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch./.

                                                                                         Ngọc Linh