Tư pháp Điện Biên: Làm tốt vai trò “người gác cửa”

02/02/2012
“100% văn bản tỉnh ban hành đều qua thẩm định tại Sở Tư pháp. Nếu Sở chưa thẩm định, tỉnh chưa ký ban hành”, Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên Lê Đình Thu phấn khởi khi nói về công tác văn bản pháp quy trên địa bàn tỉnh.

Tiền kiểm tốt, hậu kiểm đỡ “mệt”

Nhờ tham mưu cho UBND tỉnh về chương trình xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mà công tác văn bản của Điện Biên đã đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội  của địa phương. So với những năm trước, năm 2011, công tác tham mưu ban hành VB QPPL và các VB, Đề án khác của Sở Tư pháp đã chuyển từ thế bị động, đối phó sang thế chủ động, với tầm nhìn dài hạn và thực sự là điểm sáng trong toàn ngành.

“Nếu như trước đây, 10 văn bản tư pháp thẩm định giống nhau cả mười thì giờ chúng tôi đã có chính kiến rõ ràng, không ngại va chạm. Thậm chí “quay vòng” 4, 5 lượt nếu chưa đạt yêu cầu”, ông Thu nhớ lại. “Nếu làm tốt công tác tiền kiểm, hậu kiểm sẽ đỡ “mệt” hơn rất nhiều”.

Việc thẩm định VB trên địa bàn tỉnh Điện Biên không chỉ chú trọng phát hiện các vấn đề về thể chế, chính sách, khoảng trống pháp luật mà còn đảm bảo tính khả thi của VB, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật. Với phương châm ấy, ngành Tư pháp luôn cần mẫn, thận trọng, góp phần để VB ban hành thực sự đi vào cuộc sống, nhưng cũng không ngần ngại kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các VB ban hành không đúng thẩm quyền, mâu thuẫn,chồng chéo, thậm chí trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, để tạo nề nếp trong công tác thẩm định VB với cấp dưới, Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ cho Phòng Tư pháp, trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ VB cho cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã.

Tăng cường rà soát kịp thời phát hiện sai.

Đề cao tính thực chất trong công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa VB của toàn ngành, vì thế tư pháp Điện Biên luôn ưu tiên nguồn nhân lực vật lực cho công tác này. Công tác tự kiểm tra VB cũng được chú trọng hơn, bảo đảm 100% các VB do UBND tỉnh ban hành đều được Sở tự kiểm tra theo quy định; phối hợp với Ban pháp chế HĐND tỉnh tự kiểm tra 21 Nghị quyết. Sở còn tiếp nhận 139 VB do HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Phòng Tư pháp cấp huyện cũng đã tự kiểm tra gần 4500 VB do HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Qua kiểm tra nhiều VB có dấu hiệu trái pháp luật, sai thể thức VB….

Nổi bật của công tác VB phải kể đến là kế hoạch dài hơi nhất từ trước tới nay đó là đợt tổng rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của HĐND và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành từ 2004 đến hết năm 2010. Qua rà soát đã công bố 258 VB hết hiệu lực pháp luật, trình UBND tỉnh chỉ đạo các Sở ngành tham mưu xây dựng VB thay thế các VB đã lỗi thời, lạc hậu. Phòng Tư pháp cấp huyện cũng đã tổ chức rà soát, lập danh mục và đề nghị Chủ tịch cấp huyện công bố VB hết hiệu lực. Sau rà soát, Sở Tư pháp sẽ hoàn thiện, biên tập phát hành cuốn tập hợp hóa, lập danh mục các VB cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hặc ban hành mới. Ngoài ra, Sở còn tổ chức rà soát các VB do HĐND, UBND tỉnh ban hành trong 4 năm gần đây liên quan đến các cam kết ra nhập WTO theo yêu cầu của Bộ Tư pháp và các đợt rà soát chuyên đề theo yêu cầu của các Bộ, ngành TW phục vụ triển khai Luật Thi hành án dân sự, Luật Cán bộ, công chức và một số luật khác.

Tuy nhiên, Giám đốc Lê Đình Thu cũng cho biết, công tác VB trên địa bàn còn nhiều khó khăn như lực lượng còn mỏng trong khi yêu cầu công việc đòi hỏi cao, chế độ cho cán bộ làm công tác VB còn eo hẹp, một số nơi, cơ sở còn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác này nên đầu tư rất hạn chế…Để “gỡ” vấn đề này, ông Thu cho rằng, cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ Tư pháp.

Bình An

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Hoa: công tác VB của ngành Tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào việc đảm bảo cho các VBQPPL của HĐND, UBND được ban hành đúng pháp luật, đảm bảo tính khả thi. Nói chung, ngành Tư pháp đã có những đóng góp trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.