Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP. Hà Nội mới đây đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ TGPL cho chuyên viên và cộng tác viên về hai chuyên đề “Kỹ năng TGPL trong các vụ án hình sự” và “Luật Tố tụng hành chính”.
Trình bày chuyên đề thứ nhất, Luật sư (LS) Nguyễn Huy Thiệp khẳng định: Trợ giúp viên pháp lý, LS cộng tác viên có vai trò quan trọng trong việc tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự là người được TGPL, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho họ; đồng thời, giúp cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, chính xác, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần giảm oan sai theo tinh thần của Nghị quyết 08 về cải cách tư pháp.
Thành công của Trợ giúp viên pháp lý, LS tham gia tố tụng phụ thuộc vào nhiều kỹ năng như giao tiếp với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; khả năng điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ; gặp gỡ người làm chứng; nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc với các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án; chuẩn bị bài bào chữa và đề cương luận cứ bảo vệ; cư xử đúng mực với người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng; năng lực tham gia tranh tụng và kỹ năng hùng biện tại phiên tòa….
Mỗi giai đoạn của quá trình tham gia tố tụng đòi hỏi người thực hiện TGPL phải vận dụng linh hoạt các kỹ năng trên. Chẳng hạn, trong giai đoạn điều tra, Trợ giúp viên pháp lý, LS cần làm một số kỹ năng sau: làm thủ tục tham gia tố tụng trong vụ án hình sự; gặp gỡ, tham gia lấy lời khai của bị can, người bị tạm giữ để tìm hiểu sự thật khách quan của vụ án; hiểu được mong muốn, nguyện vọng, chuẩn bị tâm lý cho bị can, người bị tạm giữ, giải thích pháp luật cho họ… hay trong giai đoạn bào chữa phải vận dụng cao độ tất cả các kỹ năng cần có. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả theo LS. Thiệp thì “Trợ giúp viên pháp lý, LS có trách nhiệm sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
Giảng viên đến từ Học viện Tư pháp báo cáo chuyên đề thứ 2 cho biết, so với trước đây, Luật Tố tụng hành chính có rất nhiều điểm đổi mới. Một trong số đó là mở rộng những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bao gồm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính (trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức); khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống; khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Đặc biệt, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhằm cho phép đương sự (tùy từng trường hợp) có quyền khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Cẩm Vân