Tây Ninh: Tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý năm 2011

21/11/2011
Sáng ngày 16/11/2011, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý năm 2011 tại Hội trường Thị ủy thị xã Tây Ninh (Trung tâm Chính trị thị xã).

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, bà Phùng Thị Dâu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã và đang đi sâu vào đời sống của người dân, giúp cho những đối tượng yếu thế trong xã hội biết được quyền và lợi ích hợp pháp của họ trên thực tế. Và việc tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Trung tâm để nhằm trang bị kiến thức pháp luật và tăng cường kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh góp phần đưa ánh sáng pháp luật đến với người dân.

Hội nghị tập trung vào một số nội dung: Luật Tố tụng hành chính; Luật Người Khuyết tật; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP ngày 06/6/2011 của Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý  trong  việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính; Thông tư số 07/2011/TT-BTP (gọi tắt là Thông tư số 07/2011/TT-BTP) ngày 31/3/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý…

Đặc biệt, thông qua lớp tập huấn này, học viên đã được nghe ông Lê Minh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu về Thông tư số 07/2011/TT-BTP quy định trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ trong các trường hợp: Nạn nhân của bạo lực gia đình; Người đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục kết hôn và ly hôn; Nạn nhân bị mua bán; Nạn nhân bị bóc lột sức lao động hoặc bị xâm hại tình dục; Người có tranh chấp, vướng mắc pháp luật, người bị hại, bị can, bị cáo trong thời gian mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng; Người dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc người di cư; Người bị nhiễm HIV; Người khuyết tật hoặc đang bị các bệnh hiểm nghèo; Người lao động bị sa thải trái pháp luật hoặc nạn nhân bị lừa đảo trong quan hệ lao động, trong quan hệ hôn nhân gia đình hoặc bị tước đoạt tài sản trái pháp luật. Đây là điểm mới so với Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, đối tượng phụ nữ và trẻ em được mở rộng. Do trên thực tế đây là những đối tượng yếu thế, trong mọi tranh chấp phát sinh thì khả năng họ tự bảo vệ hoặc tiếp cận được với các dịch vụ pháp lý có thu phí để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình là rất khó thực hiện.

 Lớp tập huấn được tổ chức nghiêm túc, nội dung thiết thực, đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới; đối tượng tham gia lớp tập huấn nắm vững những nội dung pháp luật để áp dụng trong công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương và điều hành hoạt động của các Câu lạc bộ ngày một tốt hơn, đúng với quy chế đã được ban hành, tìm ra phương pháp, cách thức hoạt động phù hợp với địa phương mình, đem lại hiệu quả cao, thu hút được nhiều hội viên và nhân dân trên địa bàn tham dự sinh hoạt, đồng thời là chỗ dựa pháp luật tin cậy cho người dân./.

Ngọc Linh