Cà Mau: Phân công nhiệm vụ Tổ giúp việc và ban hành Kế hoạch khảo sát, đánh giá thi hành Hiến pháp năm 1992

17/11/2011
Thực hiện Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; Quyết định số 1612/QĐ-UBND ngày 19/10/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về thành lập Tổ giúp việc HĐND và UBND tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi tắt là Tổ giúp việc), vừa qua, Tổ giúp việc tỉnh Cà Mau đã họp, thống nhất phân công nhiệm vụ, đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải - Tổ trưởng Tổ giúp việc đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-TGVTKHP1992 ngày 15/11/2011 khảo sát, đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp năm 1992, cụ thể như sau:

Mục đích của Kế hoạch khảo sát, đánh giá: Đánh giá đúng thực tiễn việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 và các văn bản có liên quan về địa vị pháp lý, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của HĐND, UBND các cấp, từ đó xác định những quy định tiến bộ cần được kế thừa và phát triển; những nội dung phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu đổi mới và những quy định không còn phù hợp cần kiến nghị, đề xuất bãi bõ.

Về yêu cầu: Khảo sát, đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ trọng tâm, là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng…. Do đó, cần bám sát quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 của Đảng, Quốc hội, của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và thực tiễn thi hành ở đơn vị, địa phương, nhằm hướng tới việc tổng kết đạt hiệu quả cao. Đánh giá toàn diện và đầy đủ cả phương diện lý luận và thực tiễn, trên cơ sở các ý kiến nhận xét và đề xuất của các tổ chức, cá nhân, nhằm đúc kết những kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị, kiện toàn bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Khảo sát, đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp phải đảm bảo đúng quy trình, nội dung, thời gian và đạt hiệu quả cao nhất.

Về đối tượng và địa bàn khảo sát: Thường trực HĐND và đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; Thường trực UBND và các thành viên UBND cấp huyện, cấp xã; Lãnh đạo các ngành, đoàn thể cấp huyện, cấp xã. Ở cấp tỉnh chọn 03 đơn vị là huyện Thới Bình, huyện Năm Căn và thành phố Cà Mau để trực tiếp khảo sát với từng đối tượng cụ thể. Ở cấp huyện chọn 02 xã và 01 thị trấn; thành phố Cà Mau, chọn 02 phường và 01 xã.

Về nội dung khảo sát: Nội dung khảo sát, đánh giá việc thi hành quy định tại Chương IX và các Chương có liên quan của Hiến pháp năm 1992 về HĐND, UBND. Theo đó, tập trung làm rõ 04 vấn đề quy định tại Mục A, Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 1694/QĐ-TTg. Khi đánh giá thực tiễn thi hành các quy định này, cần gắn với các quy định của Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003 và các văn bản có liên quan.

Nội dung khảo sát, đánh giá bao gồm: Thực tiễn thi hành quy định của Hiến pháp năm 1992 về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND; Chủ tịch HĐND, UBND và các chức danh khác của HĐND, UBND; về các mối quan hệ giữa HĐND, UBND cấp tỉnh với các cơ quan Trung ương; giữa HĐND, UBND và Chủ tịch UBND các cấp; giữa các chức danh khác trong bộ máy nhà nước; về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp. Đánh giá việc thí điểm thực hiện Đề án không tổ chức HĐND cấp huyện, phường và việc nhất thể hóa chức danh chủ tịch HĐND với Bí thư Đảng ủy cấp xã (nơi chưa thực hiện Đề án cũng cho quan điểm về vấn đề này). Đánh giá quy định của Hiến pháp hiện hành với chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Nội dung khảo sát, bám sát theo đề cương tổng kết. Mỗi nội dung trên, cần tập trung làm rõ các nội dung quy định tại Mục B, Phụ lục III, ban hành kèm theo Quyết định số 1694/QĐ-TTg. Cụ thể: quy định của Hiến pháp có liên quan đến thực tiễn thể chế, thi hành Hiến pháp; kết quả đạt được; những vướng mắc, bất cập, nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị. Ngoài ra, cần chú ý, đối với thành phố Cà Mau phải đi sâu đánh giá tính chất, đặc điểm và mô hình của chính quyền đô thị. Đối với 2 huyện cần phân tích tính chất, đặc điểm và mô hình của chính quyền cấp xã và thị trấn.

Về phương pháp khảo sát: Tỉnh tổ chức 03 Tổ khảo sát để làm việc trực tiếp với các đơn vị được chọn khảo sát. Căn cứ vào đối tượng cụ thể, Tổ khảo sát dựa vào đề cương, các báo cáo tham luận của đại biểu và tình hình thực tế để đặt vấn đề làm rõ các nội dung có liên quan. Các đơn vị được chọn khảo sát phân công cán bộ nghiên cứu từng nội dung và chuẩn bị bài thuyết trình. Nội dung đối thoại thêm cần đi sâu những vấn đề cụ thể để làm rõ những ưu điểm và hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi Hiến pháp, từ đó rút ra những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với mục đích, yêu cầu tổng kết.

Thời gian khảo sát: Từ ngày 20 đến 25/11/2011, tiến hành và hoàn thành việc khảo sát. Từ ngày 26 đến 30/11/2011, các Tổ họp tổng kết rút kinh nghiệm và báo cáo về Tổ giúp việc. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp - Thường trực Tổ giúp việc để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải - Tổ trưởng Tổ giúp việc ban hành Thông báo số 01/TB-TGV phân công nhiệm vụ Tổ giúp việc HĐND và UBND tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 cho từng thành viên và quy định thời gian gửi báo cáo về Sở Tư pháp - Thường trực Tổ giúp việc trước ngày 25/11/2011.

Thùy Trang