Tổ chức khảo sát và Hội thảo về "Thực trạng thi hành pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn" tại tỉnh Hòa Bình

15/11/2011
Để đánh giá khách quan thực trạng thi hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong thời gian qua, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực tổ chức, thi hành pháp luật của chính quyền địa phương, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình tiến hành khảo sát đối với cán bộ và nhân dân một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn và tổ chức Hội thảo tại tỉnh về "Thực trạng công tác tổ chức thi hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình".

Đoàn khảo sát của Viện Khoa học Pháp lý do đồng chí Nguyễn Văn Hiển, Phó Viện trưởng làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân tại các đơn vị: Xã Xuân Phong và thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong), phường Phương Lâm, phường Thái Bình (thành phố Hòa Bình) về "Thực trạng công tác tổ chức thi hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn". Sau kết quả khảo sát tại cơ sở, đoàn công tác của Viện Khoa học pháp lý đã phối hợp với Sở Tư pháp đồng chủ trì tổ chức hội thảo về nội dung trên với sự tham gia của đại diện các cơ quan: Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Thanh tra tỉnh, các Sở: Nội vụ; Sở Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Cao Phong và UBND thành phố Hòa Bình.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Quách Đình Minh - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình khẳng định: Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Tư pháp Hòa Bình đã chủ động phối hp với các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đến cán bộ, nhân dân; thẩm định dự thảo các quy ước của xóm, tổ dân phố trước khi trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các tổ hòa giải ở cơ sở sở.... Bên cạnh đó, ngành Tư pháp cũng được thực hiện triệt để các quy định về thực hiện dân chủ trong toàn ngành bằng những việc làm cụ thể như: Công khai, minh bạch trình tự, thủ tục, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính; duy trì hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và định kỳ hàng năm đều tổ chức Hội nghị toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị, góp phần cùng các ngành, địa phương trong tỉnh đưa các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ vào thực tiễn cuộc sống, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát.

  Các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo đều tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được tại địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong đó, điều quan trọng nhất là thông qua thực hiện dân chủ ở cơ sở, đã củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữ vững niềm tin của nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

Một số ý kiến cũng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế từ các quy định của pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn như: Việc xây dựng hương ước của xóm, khu dân cư; Vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng; Việc tổ chức triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt cấp xã. Đồng thời kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thực hiện Pháp lệnh dân chủ, tránh hình thức, lãng phí.

Thay mặt đoàn khảo sát của Viện Khoa học pháp lý, đồng chí Nguyễn Văn Hiển đã tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu từ cơ sở, từ đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền về các giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực tổ chức, thi hành pháp luật của chính quyền địa phương trong giai đoạn tiếp theo./

Minh Ngọc