Quảng Nam: Tọa đàm công tác theo dõi thi hành pháp luật

11/10/2011
Nhằm triển khai có hiệu quả, bảo đảm đúng tiến độ các nội dung và hoạt động của Kế hoạch 1769/KH-UBND ngày 25/5/2011 của  UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 11/10/2011, Sở Tư pháp tỉnh phối hợp với UBND huyện Tiên Phước đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính”.

Tham dự buổi Tọa đàm có hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan của tỉnh như: UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Tòa Hành chính – TAND tỉnh; Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Công an, Cục thuế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh; Sở Tài nguyên; Chủ tịch UBND và Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tại Tọa đàm, đại biểu đã được nghe các đơn vị Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình… báo cáo những kết quả đạt được, những bất cập của quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp trong xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh…

Theo báo cáo tham luận của địa phương thì hiện nay các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với Chủ tịch UBND cấp xã còn thấp, chưa phù hợp với thực tế vì các văn bản xử phạt hành chính ngày càng tăng mức phạt tiền nên đã vượt thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã. Bên cạnh đó, mức phạt hiện nay trong các văn bản xử phạt hành chính là mức phạt chung áp dụng cho cả nước không phân biệt thành thị, nông thôn nên khi áp dụng vào thực tế không khả thi. Ví dụ như quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP thì nhiều hành vi phạt rất là cao trong khi thu nhập ở các vùng quê thấp nên nhiều quyết định xử phạt không thể thi hành vì người vi phạm không có điều kiện kinh tế để thi hành. Hay như quy định xử phạt trong Nghị định 34 về giao thông thì mức phạt đối với hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe còn thấp chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Việc xử phạt hành chính đối với hành vi say rượu, bia nơi công sở, làm việc còn nhiều quy định khác nhau gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt. Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 đồng đối với hành vi say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng. Nhưng cũng hành vi trên nếu áp dụng điểm b  khoản 1 Điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thì bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Giữa hai văn bản do cùng một cơ quan ban hành cùng một thời điểm nhưng lại quy định mức xử phạt về cùng hành vi lại khác nhau gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt. Không biết trường hợp nào áp dụng Nghị định 73, trường hợp nào áp dụng Nghị định 75?

Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế, sai sót thường gặp phải trong các quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp xã: Các căn cứ trong quyết định thường căn cứ vào những văn bản đã hết hiệu lực thi hành, xác định thẩm quyền xử phạt không đúng và nhiều quyết định xử phạt hành chính không được đối tượng chấp hành hoặc chỉ chấp hành hình phạt chính mà không chấp hành hình phạt bổ sung….

Để các quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND các cấp có hiệu lực pháp lý cao. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị với cơ quan nhà nước cấp trên như: Nâng thẩm quyền về mức phạt tiền đối với Chủ tịch UBND các cấp; quy định về mức xử phạt tiền cần có sự phân vùng, nơi nào kinh tế phát triển thì mức phạt cao, nơi nào còn khó khăn thì mức phạt trung bình; hướng dẫn áp dụng văn bản trong trường hợp có văn bản do nhiều cơ quan ban hành, có hiệu lực cùng thời điểm mà quy định khác nhau cùng vấn đề thì áp dụng văn bản nào; cần tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để tổ chức thực hiện tốt các quyết định xử phạt hành chính. Trường hợp cần thiết thì phải tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định hành chính nếu đối tượng cố tình không chấp hành...

Nguyễn Quốc Sử