Lạng Sơn: sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở

30/10/2008
Thực hiện Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Nghị định 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh trong 10 năm qua công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực góp phần giải quyết dứt điểm các tranh chấp mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế vi phạm pháp luật, qua đó giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

Đến hết tháng 6 năm 2008 toàn tỉnh có 2.324 Tổ hoà giải/2.322 thôn bản, khối phố với tổng số 12.224 hoà giải viên, trung bình mỗi tổ có từ 5 - 7 tổ viên với các thành phần gồm: Trưởng thôn, bản, khối phố; Bí thư chi bộ; Bí thư Đoàn Thanh niên, Chi hội trưởng chi Hội phụ nữ, Hội Nông dân; Cán bộ hưu trí, Cựu chiến binh, Ban công tác mặt trận, Người cao tuổi… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có 226 Ban hoà giải ở cấp xã/226 xã, phường, thị trấn với hơn 1000 thành viên.

Sau 10 năm thi hành Pháp lệnh các Tổ hoà giải đã hoà giải thành 17.145 việc/ tổng số 23.582 việc nhận hoà giải, đạt tỷ lệ 72,7%; trong đó: hoà giải thành lĩnh vực dân sự là 4.694 việc/ 5.798 việc, hôn nhân và gia đình 1.759 việc/2.598 việc, đất đai 7.856 việc/11.609 việc, lĩnh vực khác 2.836 việc/ 3.577 việc. Số vụ việc hoà giải không thành là 6.294, trong đó hướng dẫn chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 3.454 việc, đang hoà giải 2.854 việc.

UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều văn bản sau để chỉ đạo đối với công tác này như: Chỉ thị số 12/2007/CT-UBND ngày 17/ 8/2007 về tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 1043/QĐ-UB ngày 21/5/2003 về phê duyệt Chương trình Phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007; Quyết định số 600/QĐ-UBND Ngày 08/5/2006 về việc quy định cụ thể một số mức chi kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Ban thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn, ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 27/4/2004 về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó yêu cầu các cấp uỷ, đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần đổi mới các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật như thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Ngoài ra, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và Sở Tư pháp hàng năm đều ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có công tác hoà giải ở cơ sở.

Do có sự chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên nên các Tổ hoà giải luôn được củng cố, kiện toàn  khi có sự thay đổi và thành lập mới Tổ hoà giải ở các thôn bản, khối phố mới được chia tách, đảm bảo duy trì 100% thôn, bản, khối phố đều có Tổ hoà giải.

Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải và kiến thức pháp luật luôn được coi trọng, hàng năm Sở Tư pháp đều tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tư pháp cho cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã trong đó có nghiệp vụ quản lý về công tác hoà giải ở cơ sở. Ngoài ra, thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, các hội nghị tuyên truyền pháp luật tại cơ sở, Sở Tư pháp còn lồng ghép tổ chức được hơn 100 buổi tập huấn nghiệp vụ  hoà giải cho các hoà giải viên; biên soạn và phát hành 03 cuốn sổ tay hoà giải viên cơ sở với số lượng 11.060 cuốn phát đến từng Tổ hoà giải. Phòng Tư pháp cấp huyện, Ban Tư pháp cấp xã định kỳ hàng năm đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hoà giải viên, một số đơn vị làm tốt công tác này là: huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc, Bình Gia, thành phố Lạng Sơn.

Nhằm góp phần thúc đẩy công tác hoà giải ở cơ sở, trong năm 2000 và năm 2005 UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội thi “Hoà giải viên giỏi lần I” và “Hoà giải viên giỏi lần II” ở cả 03 cấp tỉnh, huyện, xã thu hút được hàng nghìn hoà giải viên trên toàn tỉnh tham gia. Đây là dịp để các Hoà giải viên gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm trong công tác hoà giải.

Về kinh phí và các điều kiện vật chất phục vụ công tác hoà giải:

Thực hiện Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 08/5/2006 Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND quy định cụ thể một số mức chi kinh phí thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó quy định mức thù lao cho vụ việc hoà giải thành có tính chất phức tạp = 80.000, đ/vụ/tổ; hoà giải thành vụ việc đơn giản = 60.000, đ/vụ/tổ; hoà giải không thành nhưng đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành về công tác hoà giải và hướng dẫn các bên tranh chấp đến các cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết= 50.000,đ /vụ/ tổ. Thực hiện Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, từ năm 2007 đến năm 2008,  08/11 huyện thành phố đã bố trí được kinh phí và tiến hành chi trả cho các tổ hoà giải theo quy định với số tiền trung bình khoảng 3000.000đ/đơn vị/năm (Riêng huyện Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định chưa bố trí được kinh phí).

Qua 10 năm thi hành Pháp lệnh ước tính tổng kinh phí chi cho công tác hoà giải ở cả ba cấp trên địa bàn tỉnh khoảng 300.000.000đ. 

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: công tác củng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải ở một số xã, phường, thị trấn còn chưa được kịp thời, thường xuyên; Cán bộ làm công tác hoà giải còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải, trong quá trình hoà giải chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân là chính; một số hoà giải viên chưa thực sự nhiệt tình với công việc, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh; Công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, thi đua khen thưởng động viên người làm công tác hoà giải chưa được kịp thời.

Nguyên nhân là do một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm trong lãnh đạo chỉ đạo đối với hoạt động hoà giải ở cơ sở; Hầu hết đội ngũ hoà giải viên chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải và kiến thức pháp luật thường xuyên, còn thiếu tài liệu pháp luật để vận dụng trong quá trình hoà giải; mặc dù hiện nay UBND tỉnh đã có văn bản quy định về chế độ thù lao cho các Tổ hoà giải và liên ngành Tài chính - Tư pháp đã có hướng dẫn lập dự toán và thanh quyết toán kinh phí, nhưng trên thực tế việc chi trả còn chậm, còn một số huyện chưa bố trí được kinh phí để chi trả tiền này.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải trên địa bàn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo trong thời gian tới cần tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho các Tổ viên tổ hoà giải, cung cấp tài liệu nghiệp vụ hoà giải cho các Tổ hoà giải; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ hoà giải ở cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ hoà giải thành hàng năm từ 80% trở lên; Làm tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết và phát động phong trào thi đua trong công tác hoà giải trên địa bàn và tổ chức các cuộc thi dành cho các hoà giải viên như cuộc thi “hoà giải viên giỏi” để động viên phong trào hoà giải trên địa bàn./.

Hùng Trường