Bình Định thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng: Hướng pháp luật đến từng đối tượng, từng địa bàn

17/07/2006
Kể từ khi Chỉ thị số 32 CT/TW ngày 09.12.2003 của Ban Bí thư TW Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” đến nay, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định đã có nhiều biện pháp, hình thức chỉ đạo công tác đưa pháp luật đến người dân, với phương châm lấy địa bàn và đối tượng để pháp luật hướng đến.
Ban thường Tỉnh ủy Bình Định có văn bản số 544-CV/TU yêu cầu huyện ủy, thành ủy, tổ chức Đảng các cấp, các ngành, hội, đòan thể trong tỉnh tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng và thực hiện nghiêm túc trong từng Đảng bộ, cơ quan, đơn vị. Theo đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế họach cụ thể thực hiện có hiệu qủa Chỉ thị 32, đồng thời quán triệt các biện pháp kiện tòan tổ chức và nâng cao họat động Hội đồng phối hợp PBGDPL (gọi tắt Hội đồng) các cấp trong tỉnh. Hiện nay, hội đồng cấp tỉnh hiện có 44 thành viên là đại diện các sở, ngành, đoàn thể hoạt động ở 6 tiểu ban, 11 hội cấp huyện và 155 hội đồng cấp xã đã được củng cố và kiện tòan, có 1.898 cán bộ, công chức là thành viên Hội đồng các cấp, trong đó tỉnh có 44 thành viên, của 11 huyện, thành phố có 183 thành viên; của 155 xã, phường, thị trấn là 1.672 thành viên, với 765 báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật, có 1.063 tổ hòa giải ở thôn, khu vực, khối phố, làng với 5.650 hòa giải viên. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh hòa giải từ 2.000 đến 2.500 vụ tranh chấp, xích mích nhỏ trong nội bộ nhân dân chủ yếu các lĩnh vực như dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai sinh hoạt cộng đồng … thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên là những người làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục đến tận người dân đạt hiệu quả.
Để thực hiện có hiệu qủa Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, tuỳ theo nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng ngành, từng địa phương, mà cấp ủy Đảng chỉ đạo lựa chọn những nội dung pháp luật phù hợp để PBGDPL cho phù hợp từng địa bàn, từng đối tượng. Đối với cán bộ, công chức và chính quyền cơ sở phổ biến các quy định pháp luật cán bộ, công chức như quy định về thi tuyển công chức, thi chuyển ngạch cho cán sự, chuyên viên của các cơ quan từ tỉnh đến các cấp xã. Hiện tỉnh ta 163 giáo viên dạy môn công dân-pháp luật, trong đó có 54 giáo viên dạy ở bậc phổ thông trung học, 109 dạy ở bậc phổ thông cơ sở. Ngoài việc giảng dạy pháp luật theo chương trình của Bộ Giáo dục-đào tạo, một số trường trong tỉnh còn chủ động phổ biến một số văn bản pháp luật khác như luật nghĩa vụ quân sự, pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, dân số và kế hoạch hóa gia đình, phòng chống ma tuý, phòng chống các tệ nạn xã hội…cho học sinh, sinh viên. Đối doanh nghiệp, hội đồng các cấp tổ chức tuyên truyền luật doanh nghiệp, luật thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, về đăng ký kinh doanh, về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Với ngư dân ở các vùng ven biển trong tỉnh, nội dung pháp luật tuyên truyền các quy định pháp luật về trật tự giao thông đường thủy, bảo vệ môi trường sinh thái biển … đối với dân tộc ít người ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa nội dung phổ biến chủ yếu là quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chính sách định canh, định cư, phát triển kinh tế mới, hộ tịch, xây dựng làng văn hóa, chống các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan v.v…
Để đưa pháp luật đến tận người dân, các cấp ủy Đảng còn quán triệt mở rộng và vận dụng có hiệu quả các hình thức, mô hình PBGDPL như tuyên truyền miệng, thông qua hội nghị tập huấn, nói chuyện chuyên đề; biên soạn tài liệu, tờ gấp các loại có liên quan đến các lĩnh vực như dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình; thông qua việc xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật phương tiện thông tin đại chúng; thi tìm hiểu pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí, tuyên truyền cổ động, thông qua tổ chức các lễ hội, sinh hoạt truyền thống như lễ hội văn hóa miền biển, lễ hội cầu ngư ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP. Quy Nhơn có lồng ghép nội dung tìm hiểu pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy, pháp luật về bảo vệ môi trường sinh thái biển; lễ hội văn hóa miền núi, lễ hội cồng chiêng của đồng bào Bana, Hre, Chăm ở các huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão.
 Qua ba năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư TW Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Định bước đầu đã đạt một số kết qủa nhất định, không chỉ tạo ra sự chuyển biến nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn hướng đến sự đồng thuận của các ngành, đòan thể trong phối hợp thực hiện PBGDPL. Nội dung, hình thức, phương pháp PBGDPL ngày càng phong phú, đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay… ý thực chấp hành pháp luật của cán bộ, và nhân dân trong tỉnh không ngừng nâng cao, vai trò, ý nghĩa công tác PBGDPL được mọi ngành, mọi giới, mỗi cấp trong tỉnh được đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm trong việc giáo dục chính trị tư tưởng của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
 Nguyễn Huỳnh Huyện -  Sở Tư pháp Bình Định