Tây Ninh qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở

09/09/2008
Ngay sau khi Nhà nước ta ban hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; chính quyền địa phương và các sở, ngành có liên quan của tỉnh đã kịp thời tổ chức thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, với tổng số 2.527 ấp, khu phố, toàn tỉnh đã triển khai thành lập được 502 Tổ hoà giải với tổng số tổ viên Tổ hoà giải là 3.849 người. Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, các Tổ Hoà giải trên toàn tỉnh đã tiếp nhận hoà giải 44.194 vụ việc và đã hoà giải thành 26.239 vụ việc, chuyển các cơ quan chức năng giải quyết 14.787 vụ việc, số vụ việc tồn đang giải quyết là 3.168 vụ việc.

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác hoà giải cơ sở ở địa phương, kịp thời động viên, khuyến khích và nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ hoà giải; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 444/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Hoà giải ở cơ sở giai đoạn 2007 – 2010”; Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 01/2/2007 ban hành Quy định về chi thù lao cho tuyên truyền viên pháp luật, công tác hoà giải ở cơ sở và xây dựng, củng cố tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; tổ chức 02 cuộc thi Hoà giải viên giỏi; chỉ đạo thành lập 95 tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 100%; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tăng cường lãnh đạo, điều hành, hướng dẫn công tác hoà giải, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác hoà giải, sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở địa phương.

Tư pháp các cấp với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp UBND các cấp quản lý Nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở thường xuyên có văn bản hướng dẫn về mặt nghiệp vụ đối với công tác hoà giải ở cơ sở; củng cố, kiện toàn, chấn chỉnh hoạt động của Tổ Hoà giải và hướng dẫn thống kê về tổ chức và hoạt động của Tổ Hoà giải theo đúng quy định.

Trước tình hình một số Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn hoà giải các vụ việc thuộc thẩm quyền hoà giải của Tổ Hoà giải, Sở Tư pháp ban hành công văn số  168/STP-PBGDPL ngày 08/02/2007 đề nghị Phòng Tư pháp các huyện, thị xã tham mưu UBND các huyện, thị xã chỉ đạo cho UBND cấp xã kiện toàn, củng cố lại các Tổ Hoà giải, đảm bảo các Tổ Hoà giải phải đi vào hoạt động có hiệu quả, hoà giải những vụ việc theo quy định, chỉ đạo Ban Tư pháp chỉ có trách nhiệm hoà giải các vụ tranh chấp về đất đai đồng thời đảm bảo các khoản chi theo Quyết định số 23/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Hàng năm, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã đều tổ chức bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải. Trong 10 năm, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp cấp huyện đã tổ chức được 110 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải cho Hoà giải viên, bên cạnh đó để tạo mọi điều kiện cho hoà giải viên tiếp cận với pháp luật, trong các đợt tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ tư pháp cấp xã đã lồng ghép tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ hoà giải. Bên cạnh việc tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải cho hoà giải viên, đã tổ chức cho hoà giải viên trao đổi, xử lý những vụ việc tranh chấp cụ thể phát sinh trên thực tế hoặc giải đáp các vướng mắc mà hoà giải viên nêu ra. Có thể nói, với phương pháp này, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải của cán bộ hoà giải được nâng lên rõ rệt.

 Sở Tư pháp với vai trò là Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý công tác hoà giải trên phạm vi toàn tỉnh đã chủ động biên soạn và in ấn 880 quyển tài liệu nghiệp vụ hoà giải phát cho hoà giải viên và các Tổ Hoà giải, cấp phát đầy đủ cho Tổ Hoà giải các tài liệu do Bộ Tư pháp cấp; biên soạn đề cương giới thiệu văn bản pháp luật, tài liệu hỏi – đáp pháp luật cấp phát cho các tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở tài liệu của tỉnh cung cấp, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã in sao cấp phát cho toàn thể hoà giải viên trên địa bàn huyện, thị xã.

Hàng năm, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các huyện, thị xã đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở trong đó có công tác hoà giải (mỗi năm tổ chức 02 lần kiểm tra vào 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm) nhằm kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót đồng thời phát huy, nhân rộng điển hình những kết quả đạt được được trong công tác hoà giải. Hàng quý, 06 tháng, năm, thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động hoà giải từ cơ sở trở lên, có tổ chức xét thi đua khen thưởng cho những tập thể và cá nhân cò thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải.

Công tác hoà giải là công tác thuyết phục, vận động quần chúng, chính vì vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở, giữa cơ quan Tư pháp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã có sự phối hợp trong công tác hoà giải ở cơ sở, cụ thể là phối hợp ban hành các kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó có công tác hoà giải ở cơ sở; củng cố, kiện toàn Tổ Hoà giải và thành viên Tổ Hoà giải; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các Tổ Hoà giải; báo cáo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác hoà giải; tổ chức thi đua khen thưởng trong công tác hoà giải; tuyên truyền, vận động các bên tranh chấp chấp hành tốt các nội dung đã thoả thuận trong quá trình hoà giải; tham gia xây dựng và thực hiện các phong trào quần chúng tại địa phương góp phần làm cho công tác hoà giải được thực hiện tốt hơn.

Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu cán bộ để nhân dân bầu vào Tổ Hoà giải; xây dựng, củng cố Tổ Hoà giải; tham gia hoà giải trực tiếp các vụ việc tranh chấp, xích mích trong nhân dân; thông qua mạng lưới của mình Mặt trận Tổ quốc đã cung cấp một lực lượng đông đảo những người có tâm huyết, năng lực và uy tín đối với nhân dân để làm công tác hoà giải.

Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đều phối hợp với Tư pháp các cấp, Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị huyện tổ chức tập huấn công tác hoà giải cho cán bộ của Mặt trận và các tổ chức do Mặt trận quản lý, mỗi năm tổ chức 02 đợt tập huấn, đợt 1 cho cán bộ ở cấp tỉnh, đợt 02 cho cán bộ ở cấp huyện và xã, qua 10 năm đã tổ chức được 20 đợt tập huấn, cấp phát 1.800 bộ tài liệu cho cán bộ làm công tác hoà giải. Trên cơ sở các tài liệu Hỏi – đáp pháp luật do Sở Tư pháp cung cấp, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã cấp phát kịp thời cho các Tổ Hoà giải ở cơ sở.

Qua 10 năm địa phương thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở đã đạt được một số kết quả đáng kể. Các Tổ hoà giải ở cơ sở được thành lập, hoạt động và thường xuyên được củng cố, kiện toàn theo đúng quy định của pháp luật; kết quả hoà giải thành ngày càng cao; vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác và công dân trong công tác hoà giải ở cơ sở được nâng lên một bước rõ rệt; công tác quản lý Nhà nước về hoà giải được tăng cường; phân công thành viên Tổ Hoà giải phụ trách từng địa bàn cụ thể tạo điều kiện cho Hoà giải viên dễ dàng nắm bắt được nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn; kịp thời khen thưởng đối với Tổ hoà giải và tổ viên Tổ Hoà giải có thành tích trong công tác hoà giải và xử lý vi phạm đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về hoà giải. Có thể khẳng định, hầu hết trong các vụ việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhờ có công tác hoà giải mà các bên tranh chấp đạt được sự tự nguyện thoả thuận, giải quyết với nhau, hạn chế được việc phải đưa ra cơ quan chức năng giải quyết từ đó góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương./.

Anh Tuyết