Thái Bình: Hội đồng PHCTTPHGDPL tỉnh với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2008

19/08/2008
Thực hiện Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2008; chương trình công tác của Hội đồng phối hợp công tác PBGD pháp luật tỉnh trong năm 2008, công tác PBGD pháp luật trong 6 tháng đầu năm 2008 của tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

Về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện: Ngay từ đầu năm Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã họp để tổng kết công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2007, đề ra phương hướng, kế hoạch công tác năm 2008 nội dung mới là các địa phương, các sở, ngành phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền một cách cụ thể trong đó nêu rõ nội dung văn bản pháp luật cần tuyên truyền trong năm, phân công trách nhiệm cho các bộ phận, cá nhân thực hiện và gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp, UBND tỉnh.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, UBND các huyện thành phố đều xây dựng kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay 80% số xã, phường thị trấn và 2 huyện Thái Thuỵ, Vũ Thư đã tổ chức thành công hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, hàng trăm tập thể và cá nhân được UBND huyện, xã khen thưởng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp, Sở tư pháp- Cơ quan thường trực của Hội đồng đã xây dựng và trình UBND tỉnh Thái Bình ban hành kế hoạch số 18/KH-UBND về việc phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008-2012. Đây là văn bản pháp luật quan trọng để các ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Về kết quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2008. Năm 2008 có nhiều văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành như: Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, Luật đặc xá, Luật hoá chất, Luật chất lượng, sản phẩm hàng hoá, Luật tương trợ tư pháp, Luật thuế thu nhập cá nhân (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009)... Các văn bản pháp luật được triển khai tuyên truyền ở các ngành, các cấp với những nội dung, hình thức phong phú và đa dạng như:

Tuyên truyền thông qua hội nghị: Toàn tỉnh đã tổ chức 532 buổi tuyên truyền pháp luật qua hội nghị tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như: Luật Công chứng, Luật Bình đẳng giới, Luật Cư trú, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...Riêng Sở Tư pháp đã tập huấn kiến thức pháp luật, giới thiệu văn bản hướng dẫn thi hành Luật trợ giúp pháp lý, các văn bản mới về người có công với cách mạng, Luật bảo hiểm xã hội cho các cộng tác viên, cán bộ chủ chốt của câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Phòng, chống ma tuý, phòng chống tội phạm, Luật phòng chống HIV/AIDS cho 600 người dân ở các xã Thanh Tân, Vũ Thắng (Kiến Xương) Thuỵ Duyên (Thái Thuỵ). Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tuyên truyền Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình cho 1.030 cán bộ, hội viên phụ nữ  học tập. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đã tuyên truyền Luật Thanh niên, Luật nghĩa vụ quân sự tới cán bộ, đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh. Phối hợp với các ngành Y tế tuyên truyền Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân. Ban tuyên giáo tỉnh uỷ phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở 5 hội nghị tuyên truyền pháp luật: phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường tuyên truyền Luật bảo vệ môi trường; phối hợp với trung tâm phòng chống HIV/AIDS tuyên truyền Luật phòng chống HIV/AIDS. Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền về Bộ luật lao động cho 25 chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp. Cục thuế tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật thuế thu nhập các nhân cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể trong tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Hội Cựu chiến binh tiếp tục tuyên truyền Nghị định 146/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho 350 hội viên.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Trong 6 tháng đầu năm Báo Thái Bình đã duy trì thường xuyên chuyên mục pháp luật và đời sống; đăng tải 72  tin, bài tuyên truyền pháp luật, kịp thời giới thiệu được nhiều văn bản pháp luật như: Luật công chứng, Luật cư trú, Luật bình đẳng giới, Luật quản lý thuế, Luật bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Luật thuế thu nhập các nhân. Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh, Sở Y tế, Sở giáo dục, Liên đoàn lao động tỉnh, Ban tuyên giáo tỉnh uỷ là những đơn vị tuyên truyền mạnh trên Báo Thái Bình. Cục Thuế tỉnh đã có 11 tin bài tuyên truyền về Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Sở Tư pháp có 25 tin bài giới thiệu văn bản pháp luật mới, biểu dương gương người tốt việc tốt. Công an tỉnh tập trung tuyên truyền về tác hại, hiểm hoạ và kỹ năng phòng chống ma tuý...

Đài phát thanh truyền hình tỉnh đã chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật qua sóng phát thanh và truyền hình tỉnh. Phối hợp với Sở Tư pháp Thái Bình duy trì thường xuyên chuyên mục “pháp luật và cuộc sống", giới thiệu 6 chuyên mục tập trung vào các lĩnh vực: hoà giải, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật đối với thanh thiếu niên, thi hành án... Phối hợp với các ngành hữu quan xây dựng các chuyên đề, phóng sự, phim tài liệu về phòng chống ma tuý, an toàn giao thông, giáo dục, y tế, chính sách thuế, phổ biến tới đông đảo nhân dân trong tỉnh những nội dung pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân.

Thông qua hoạt động hoà giải, trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật: Thông qua hoà giải đưa pháp luật đến người dân diễn ra thường xuyên trong cộng đồng dân cư, gắn bó với những nhu cầu thiết thực của nhân dân, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật nhỏ xảy ra. Toàn tỉnh hiện nay có 1.934 tổ hoà giải với 14.560 tổ viên ở tất cả các thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư. 6 tháng đầu năm 2008 đã hoà giải thành 1147 việc trên 1350 vụ việc thụ lý đạt tỷ lệ hoà giải thành 85% đã góp phần đáng kể trong giải thích, tuyên truyền pháp luật. Ngoài lực lượng hoà giải viên, trong nhiều cuộc hoà giải còn có sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, các vị chức sắc tôn giáo, trưởng họ, , cán bộ hưu trí, cựu chiến binh là những tuyên truyền viên pháp luật rất gần gũi với nhân dân.

Thực tế cho thấy hoạt động trợ giúp pháp lý đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động ở 23 xã, trợ giúp 477 việc, bào chữa, bảo vệ quyền lợi đương sự 17 việc.

Thông qua tư vấn, giải thích, hướng dẫn pháp luật đã chuyển tải đến nhân dân nhiều thông tin pháp luật cần thiết, tạo niềm tin, tình cảm với pháp luật. Hiện nay Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tiến hành thành lập mới 2 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở xã An Ninh (Quỳnh Phụ) và Đông Trung (Tiền Hải) đưa số câu lạc bộ trợ giúp lên 12 Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả. Hội Liên hiệp phụ nữ  tỉnh có văn phòng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ gồm 7 thành viên. Văn phòng trợ giúp pháp lý đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, Hội luật gia, TAND, VKSND, Phòng địa chính, Phòng Nội vụ 8 huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức được 6 cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ tại 6 xã, phường, thị trấn; tư vấn 245 vụ việc liên quan đến chế độ chính sách, hôn nhân gia đình, đất đai cho phụ nữ.

Tuyên truyền qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

 Đây là hình thức tuyên truyền đã đi vào cộng đồng và có tính giáo dục pháp luật  nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả. Trong công tác phòng, chống ma tuý, Ngành Công an đã phối hợp với các địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ và một số tổ chức ban ngành khác thành lập được 450 câu lạc bộ phòng, chống ma tuý sinh hoạt thường xuyên. Hội Phụ nữ tỉnh xây dựng nhiều câu lạc bộ phòng, chống mại dâm như ở xã Hồng Minh (Hưng Hà) với 35 thành viên tham gia; 02 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình ở Vũ Lạc, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương). Đoàn Thanh niên tổ chức và duy  trì được nhiều loại hình câu lạc bộ như Đội Thanh niên tình nguyện, câu lạc bộ tiền hôn nhân - gia đình trẻ, câu lạc bộ bạn giúp bạn. 67 câu lạc bộ pháp luật của thanh niên đang thường xuyên sinh hoạt và tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh niên tại địa phương. Xã vũ Hội (Vũ thư), Vũ tây (Kiến Xương), Thái Sơn (Thái Thuỵ), Trần Lãm, Phú Khánh (Thành phố Thái bình), Thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh phụ), Đông Hợp (Đông hưng) và còn rất nhiều địa phương duy trì hoạt động câu lạc bộ với pháp luật.

Thông qua hình thức tuyên truyền in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật: Công an tỉnh biên tập tài liệu tuyên truyền giải thích về Luật cư trú, Luật Tố tụng hình sự, in hàng ngàn tài liệu gửi tới tất cả các xã, phường, thị trấn phục vụ tuyên truyền nhất là ở một số địa bàn phức tạp, góp phần ổn định tình hình xã hội. Cục Thuế tỉnh cung cấp 1.500 cuốn bản tin thuế, 5.000 tờ rơi ấn phẩm về Thuế, Sở Tư pháp in 2.500 tập tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hoà giải viên, 3.000 tờ rơi tìm hiểu Luật phòng chống ma tuý.

Bản tin tuyên truyền của Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, Cục thuế, Sở Tư pháp, Công an, Liên Đoàn Lao động tỉnh, Chi cục dân số kế hoạch hoá gia đình , Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn Thanh niên… đã đăng tải nhiều thông tin tuyên truyền pháp luật  phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.

Tuyên truyền thông qua việc thác tủ sách pháp luật (TSPL): Thực hiện tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật qua tủ sách pháp luật được thực hiện khá tốt. Xác định rõ TSPL là công cụ hữu hiệu để đưa pháp luật vào hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, đặc biệt là trong quản lý điều hành của bộ máy chính quyền cơ sở, phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu pháp luật của nhân dân và cũng là nơi lưu trữ văn bản tài liệu của đơn vị. 100 % xã, phường, thị trấn, 19 cơ quan có TSPL, một số xã có 2 TSPL như Đông Á, Đông Lĩnh, Đông Sơn (Đông Hưng), Minh Lãng, Việt Hùng (Vũ Thư), Vũ Quý (Kiến Xương. Theo khảo sát gần đây có trên 50% số xã hàng năm đầu tư thêm 200.000đ - 500.000đ cho việc mua sách pháp luật. Nhiều xã đã bố trí phòng đọc, cho mượn sách về đọc và kết hợp với Điểm bưu điện văn hoá xã lưu chuyển sách phục vụ cho nhân dân.

Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường: Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường hiện nay đang được sự quan tâm, đây vừa là giải pháp cơ bản, lâu dài để nâng cao dân trí pháp lý, vừa mang tính cần thiết cấp bách để nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật  cho học sinh, sinh viên một lực lượng khá đông đảo trong xã hội hiện nay. Sở Giáo dục- đào tạo phối hợp với các ngành, chỉ đạo các trường đổi mới, nâng cao chất lượng việc giảng dậy pháp luật trong nhà trường theo quy định và còn tổ chức nhiều loại hình tuyên truyền pháp luật  như sinh hoạt ngoại khoá, nói chuyện pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh, sinh viên.Trường Chính trị tỉnh đã triển khai tuyên truyền nhiều văn bản pháp luật như: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật đất đai,  Luật giáo dục... Tích cực khai thác, sử dụng các sách báo, tạp chí, tập san chuyên ngành cho cán bộ, giáo viên, học viên trong trường. Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật tỉnh bên cạnh các giờ giảng dạy pháp luật theo chính khoá nhà trường còn phát động tổ chức nhiều hoạt động như: tổ chức cho giáo viên khoa đại cương và khoa kinh tế nghiên cứu, tìm hiểu một số văn bản pháp luật mới như: Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình

Ngoài ra các hình thức tuyên truyền PBGDPL đã được thực hiện ở các ngành trong khối nội chính như  VKSND, TAND, Thanh tra các cấp. Thông qua các hoạt động xét xử lưu động tại các địa phương; công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nhân dân và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều vụ án lớn được xét xử lưu động công khai phục vụ cho hàng ngàn công dân đến theo dõi phiên toà.

Nguyễn Ngọc Hiển