Huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau: 10 năm nhìn lại công tác hòa giải cơ sở

19/08/2008
Cái Nước có gần 150 ngàn dân sinh sống được phân chia thành 10 xã và 1 thị trấn, với 93 ấp, khóm. Theo cơ cấu mỗi ấp, khóm có 1 tổ hòa giải với từ 5 đến 9 thành viên tổng số người làm công tác hòa giải là 687 người. Hoà giải cơ sở đã trở thành một truyền thống tốt đẹp góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, với vai trò hàn gắn vết thương thay cho việc cắt bỏ vết thương trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, hoà giải có một ý nghĩa xã hội sâu sắc, đáp ứng yêu cầu xã hội đang đặt ra trong cả nước nói chung và huyện Cái Nước nói riêng.

Những kết quả đáng ghi nhận 

Trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, do sự mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, nhận thức, lối sống, tính cách... dẫn đến những va chạm, xích mích giữa các thành viên trong gia đình, trong họ tộc, giữa bà con lối xóm láng giềng và giữa các cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư, nếu không giải quyết kịp thời thì từ mâu thuẫn nhỏ sẽ trở thành mâu thuẫn lớn, từ tranh chấp thuần tuý dân sự, kinh tế có thể sẽ trở thành vụ án hình sự gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Hoà giải ở cơ sở đã giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận, tự giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân. 

Sau khi pháp lệnh Hoà giải cơ sở được ban hành, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với mặt trận tổ quốc xây dựng phương án, tiến hành khảo sát, lựa chọn và đưa ra dân bầu các tổ hoà giải ở khóm, ấp và cụm dân cư. Về phần đông thành viên các tổ hoà giải đều được lựa chọn từ những người có trình độ năng lực, am hiểu pháp luật và có uy tín với nhân dân địa phương. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ, từng bước đưa hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp. 

10 năm qua, toàn huyện đã tổ chức triển khai, tập huấn nghiệp vụ hoà giải hơn 30 cuộc, có hơn 1.200 lượt người dự. Với nhiều nội dung về: Pháp lệnh Tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở, Nghị định 160 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn công tác hoà giải ở cơ sở và kỹ năng công tác hoà giải... Qua đó đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của nhân dân trong việc chấp hành và thực thi pháp luật. Làm hạn chế việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân. Phần lớn các việc tranh chấp đều được hoà giải kịp thời, tỷ lệ hoà giải thành đạt kế hoạch đề ra. Đến nay, trong toàn huyện đã tiếp nhận 6.737 đơn và đưa ra hoà giải 6.655 đơn, đạt 99,71% (so với tổng số đơn nhận), trong đó hoà giải thành 5.386 đơn, đạt 80,93% (so với vụ đưa ra hoà giải). Chuyển các cơ quan chức năng 1.269 đơn, tồn 82 đơn. Trong đó dân sự 1.762 đơn, hôn nhân và gia đình 1.021 đơn, đất đai 1.185 đơn, lĩnh vực khác 1.418 đơn.

  Qua hoà giải thành, các đương sự tự thoả thuận trả cho nhau, hơn 3 tỷ 862 triệu đồng, vàng 1.532 chỉ 24K, đất 403.065m2, lúa 2.618 giạ và nhiều loại tài sản khác… Điển hình trong công tác này là: xã Thạnh Phú đã đưa ra hoà giải dứt điểm các đơn đã nhận đạt 100% số đơn cần hoà giải và tỷ lệ hoà giải thành đạt khá cao 89,73%, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.  

Giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân 

Trao đổi với chúng tôi ông Lê Hoàng Kiệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện uỷ và sự phối hợp của các cấp chính quyền, sự quan tâm ủng hộ rộng rãi của nhân dân đặc biệt là sự nhiệt tình học tập và tích cực cộng tác của đội ngũ hoà giải viên nên mạng lưới hoà giải ở cơ sở được xây dựng rộng khắp, có tổ chức khá ổn định. Hoà giải cơ sở đã và đang giữ một vai trò, vị trí hết sức quan trọng, là một nhu cầu cần thiết không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nó không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, củng cố tình làng nghĩa xóm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giảm bớt các vụ việc khiếu kiện kéo dài và giảm bớt áp lực của Toà án, cơ quan hành chính các cấp. Công tác này còn góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố phát huy những truyền thống, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc ta. Những vụ hoà giải thành mang lại hiệu quả rất thiết thực trong cộng đồng dân cư, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong công tác hoà giải”. 

Thông qua hoà giải còn có tác dụng tích cực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do chưa nhận thức đúng về hoạt động hoà giải nên trong quá trình hoà giải ở một số địa phương dưới góc độ nhà nước, trong một số trường hợp hoà giải còn thể hiện sự áp đặt đối với các đối tượng hoà giải; kiến thức pháp luật của đội ngũ cán bộ làm công tác hoà giải còn nhiều bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ nói chung, công tác hoà giải nói riêng. 

Những bài học kinh nghiệm 

Nơi nào có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp uỷ Đảng, chính quyền, có sự phối hợp tốt giữa ngành Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc thì ở đó hoạt động công tác hoà giải có nhiều thuận lợi. Sự ủng hộ về tinh thần, định hướng chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể, có kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, hỗ trợ về kinh phí và các yếu tố khác... là những điều kiện giúp cho hoà giải viên hoạt động và tổ hoà giải phát huy tốt hơn vai trò, tác dụng của mình. Khi tổ hoà giải được bầu dân chủ, cơ cấu đủ số lượng thành viên, được chính quyền công nhận; hoà giải viên được tập huấn, bồi dưỡng thực hiện đúng thủ tục, trình tự hoà giải và có một khoản kinh phí nhất định thì ở nơi đó hoạt động hoà giải đạt kết quả tốt, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, làm tốt vai trò, hoạt động hiệu quả thực sự là đầu mối, trung tâm hàn gắn đoàn kết trong nội bộ quần chúng nhân dân.

 Để công tác hoà giải phát huy được hiệu quả, các cấp lãnh đạo nên thường xuyên hướng dẫn, động viên khen thưởng kịp thời, giúp cho các hoà giải viên có điều kiện cập nhật kịp thời các văn bản hướng dẫn hoạt động hoà giải ở cơ sở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ viên tổ hoà giải phát huy được sự nhiệt tình, tính chủ động của mình trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ hoà giải. Có như vậy công tác hoà giải ở cơ sở sẽ ngày càng là cầu nối hàn gắn mọi mâu thuẫn thắt chặt tình làng, nghĩa xóm trong nhân dân.

Ngọc Yến